Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Clark, Pampanga - Philippines chiều 12-11, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các hội nghị cấp cao liên quan.
Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác - đều là các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand, các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng như EU và Liên Hiệp Quốc. Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, dự kiến 55 văn kiện được ký, thông qua tại các hội nghị, trong đó các nhà lãnh đạo sẽ ký 1 văn kiện, thông qua 25 văn kiện và ghi nhận 20 văn kiện khác; Philippines sẽ ban hành 9 Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị Cấp cao.
Trong chuyến công du này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-31 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20, Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila - Philippines, từ ngày 12 đến 14-11. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 9 và Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay Clark, Pampanga - Philippines chiều 12-11 Ảnh: TTXVN
Hội nghị lần này sẽ nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực của Cộng đồng ASEAN. Lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ tập trung thảo luận về phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các Hội nghị Cấp cao liên quan với tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.
ASEAN cũng đã xác định được danh mục các vấn đề liên ngành, liên trụ cột cần được thúc đẩy, bao gồm phòng chống mua bán người, an ninh và hợp tác biển, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ và kiến tạo hòa bình hậu xung đột, nhân quyền, chống ma túy, tội phạm môi trường, chống rửa tiền... Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar hôm 11-11 cho biết các cuộc đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhiều khả năng diễn ra vào năm tới. Theo ông Bolivar, Manila mong các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ thông báo bắt đầu đàm phán về COC. Theo báo The Straits Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đề cập vấn đề biển Đông khi gặp gỡ người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte trong ngày 13-11.
Theo AP, những vấn đề thảo luận nổi bật tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này là tình hình biển Đông, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, nỗ lực chống chủ nghĩa quá khích bạo lực trong khu vực... Các nhà lãnh đạo ASEAN nhiều khả năng lên tiếng bày tỏ quan ngại về các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra lời kêu gọi Triều Tiên quay lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã bị ngưng trệ từ lâu. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo sẽ ủng hộ những nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại khu vực.
Bình luận (0)