Hy Lạp đang tiến gần hơn bao giờ hết tới bờ vực vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) sau khi cuộc đàm phán vào phút chót với bộ 3 chủ nợ Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thất bại.
Cuộc họp hôm 14-6 nói trên được xem là cơ hội thỏa hiệp cuối cùng giữa Hy Lạp và các chủ nợ nhưng lại kết thúc chóng vánh sau 45 phút bởi khoảng cách quá lớn giữa hai bên. Châu Âu muốn Hy Lạp cắt giảm chi tiêu trong nước tương đương 2,2 tỉ USD thì mới giải ngân gói cứu trợ tài chính 8,1 tỉ USD. Đây là gói cứu trợ sống còn đối với Hy Lạp bởi nước này phải trả 1,8 tỉ USD cho IMF vào cuối tháng 6, khoảng 7,5 tỉ USD khác cho ECB trong tháng 7 và tháng 8. Gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp cũng hết hạn vào cuối tháng 6.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng cuộc họp thất bại do Hy Lạp không đưa ra được bất cứ biện pháp mới nào để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nần. Ngược lại, một quan chức Athens đổ lỗi cho IMF, chủ nợ cứng rắn nhất của Hy Lạp.
IMF vẫn bắt buộc kế hoạch cải tổ của Athens phải bao gồm việc tiếp tục cắt giảm lương, kể cả lương hưu. Thẳng thừng bác bỏ đòi hỏi này nhân danh “phẩm giá Hy Lạp”, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố Athens sẽ “kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi các chủ nợ trở nên thực tế”.
Các nhân viên vệ sinh trường học biểu tình bên ngoài Bộ Lao động và Thống nhất Xã hội Hy Lạp
tại Athens hôm 15-6. Ảnh: REUTERS
Trước khi cuộc họp diễn ra, giới quan sát tin tưởng vào một kết quả không đến nỗi thảm hại như vậy khi ông Tsipras hôm 12-6 bóng gió ông sẽ ngậm đắng nuốt cay để chấp nhận những thỏa hiệp đau đớn về thắt lưng buộc bụng và cải tổ để đổi lấy gói cứu trợ. Tuy nhiên, sau cuộc họp, giới chức EU nói rằng phái đoàn Hy Lạp do Phó Thủ tướng Yannis Dragasakis dẫn đầu không đưa ra điều gì mới mẻ dù vẫn tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các chủ nợ.
Những tiếng nói chỉ trích gay gắt nhất đối với sự “cứng đầu” của Hy Lạp đến từ các thành viên EU thậm chí còn nghèo hơn và gia nhập tổ chức này sau Hy Lạp. Ngay cả những đối tác ít ỏi tại EU từng tỏ ra thông cảm với quốc gia bên bờ Địa Trung Hải cũng dần mất kiên nhẫn.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel - người khẳng định ông muốn giữ Hy Lạp ở lại EU - nhấn mạnh trên tờ Bild rằng: “Không chỉ có thời gian mà cả sự kiên nhẫn cũng cạn kiệt. Viễn cảnh Hy Lạp rời khỏi Eurozone đã rõ ràng hơn bao giờ hết”.
Trong khi đó, báo Telegraph (Anh) hôm 15-6 dẫn lời Cao ủy EU của Đức Guenther Oettinger nói EC cần chủ động kế hoạch đối phó với “tình trạng khẩn cấp” ở Hy Lạp từ ngày 1-7 nếu Athens không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ. “Tôi cho rằng EC cần có kế hoạch ngăn chặn tình trạng tồi tệ hơn trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone khi vỡ nợ” - ông Oettinger nhận định.
Việc không giữ được Hy Lạp sau nhiều năm đàm phán dai dẳng và 2 gói giải cứu tài chính khẩn cấp trị giá gần 270 tỉ USD sẽ là đòn giáng mạnh vào EU. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng sự ra đi của Hy Lạp khỏi Eurozone có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỉ euro cho kinh tế thế giới, bên cạnh những tổn thất nặng nề về chính trị khi “các nhà đầu tư, công dân, các bên có liên quan nhận ra EU không phải là một khối thống nhất”.
Trong nỗ lực tránh kịch bản xấu này, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ họp tại Luxembourg vào ngày 18-6 và nhiều khả năng các chủ nợ ra tối hậu thư, ép Hy Lạp đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước sự bế tắc của quá trình đàm phán, đồng euro ngay lập tức mất giá 0,4% so với đồng USD hôm 15-6. Cùng ngày, các thị trường chứng khoán khắp châu Á và châu Âu đều sụt giảm.
Bình luận (0)