Các bộ trưởng tài chính khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone) đã chính thức thông qua gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp, bao gồm 130 tỉ euro (173 tỉ USD) sau cuộc họp kéo dài hơn 13 giờ ngày 20-2 tại Brussels, Bỉ.
Các bộ trưởng từ 17 nước thuộc eurozone đã trao cho Hy Lạp nguồn tài chính mà nước này cần có để tránh vỡ nợ vào tháng tới. Trong khi thỏa thuận mới này cung cấp cho Hy Lạp khoản trợ giúp ngắn hạn thì những ngày khó khăn đang ở phía trước khi chính phủ cố gắng cắt giảm món nợ xuống 121% GDP cả nước vào năm 2020. Sau 5 năm khủng hoảng, tổng nợ của Hy Lạp hiện vào khoảng 160% GDP.
Quyết định nói trên được đưa ra tại cuộc họp báo vào sáng sớm 21-2 ở Brussels. “Cuối cùng, chúng ta cũng đi đến một thỏa thuận quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng” - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Olli Rehn nói. Ông Rehn cho rằng nền kinh tế Hy Lạp rõ ràng là không thể dựa mãi vào nền quản trị công rộng khắp nhờ vào khoản vay chi phí thấp mà cần dựa vào sự đầu tư cả ở trong và ngoài nước.
Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói rằng sau những cuộc thương thuyết giải cứu Hy Lạp, quyết định mới giúp Hy Lạp đủ thời gian để cải thiện khả năng cạnh tranh và mục đích của các điều kiện mới là tạo ra sức tăng trưởng cho nền kinh tế nước này.
Thông báo về thỏa thuận của nhóm, đại diện eurozone nhấn mạnh chương trình mới này sẽ đem lại “sự ổn định ở Hy Lạp và khu vực châu Âu như một toàn thể”, eurozone ý thức đầy đủ về những cố gắng đáng kể của người dân Hy Lạp nhưng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía xã hội Hy Lạp để đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo phát triển có thể chấp nhận được.
Một người giương cờ Hy Lạp trong cuộc xuống đường chống biện pháp
khắc khổ trước tòa nhà quốc hội ở Athens. Ảnh: REUTERS
Quốc hội Hy Lạp hôm 12-2 đã chuẩn y dự luật thắt lưng buộc bụng; gói biện pháp khắc khổ, bao gồm cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, tiền lương và trợ cấp, đã giúp mở đường cho các bộ trưởng tài chính eurozone đặt bút ký thỏa thuận giải cứu hôm thứ ba.
Frederick Neumann, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, cho rằng thỏa thuận giải cứu “chắc chắn loại bỏ được nguy cơ trước mắt nhưng tôi nghĩ vấn đề sẽ nảy sinh là liệu Hy Lạp có thể chịu đựng được những biện pháp cắt giảm đau đớn này hay không”.
Ông nói nền kinh tế Hy Lạp còn nhỏ, so với eurozone giống như bang Connecticut so với phần còn lại của nước Mỹ. Thế nhưng, theo ông, sự vỡ nợ của Hy Lạp có thể tạo ra một tia lửa như Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư Mỹ bị sụp đổ, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Theo kế hoạch, các cử tri Hy Lạp sẽ đi bầu quốc hội vào tháng 4 và đây được xem là cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi về các biện pháp khắc khổ mà đất nước đối mặt.
Bình luận (0)