Trong lúc tư cách thành viên đồng euro của Hy Lạp đang lâm nguy, TT Papoulias đã lên tiếng cảnh báo về nỗi lo sợ trong dân chúng có thể phát triển thành tình trạng hoảng loạn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp George Provopoulos cho biết riêng trong ngày 14-5, người gửi tiền tiết kiệm đã rút ra ít nhất 700 triệu euro. TT Papoulias nhấn mạnh: “Thống đốc Provopoulos báo cáo với tôi không có tình trạng hoảng loạn. Thế nhưng, trong dân chúng hiện đã xuất hiện một nỗi lo sợ to lớn có thể dẫn đến hoảng loạn”.
Hãng tin Reuters cho biết người dân Hy Lạp đang rút tiền euro ra khỏi các ngân hàng, có lẽ do lo ngại về viễn cảnh đồng tiền này bị mất giá nhanh chóng nếu như nước này rời khỏi eurozone. Thực tế trong mấy tháng qua, người dân Hy Lạp vẫn đều đặn rút tiền ra khỏi các ngân hàng. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò gần đây, có đến 70% người dân Hy Lạp bày tỏ quan điểm muốn nước này ở lại eurozone.
Một số nhà hoạch định chính sách của Liên hiệp châu Âu (EU) còn lo rằng Hy Lạp có thể lôi kéo cả khối này trở lại tình trạng khủng hoảng một lần nữa. Giá các cổ phiếu châu Âu sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2012 sau khi nỗ lực thành lập chính phủ liên minh ở Hy Lạp thất bại. Các nhà giao dịch chứng khoán nhận định thị trường có thể còn đình trệ hơn nữa trong mấy ngày tới.
Các giới chức EU lo ngại rằng Hy Lạp sẽ bầu ra một chính phủ chống lại chương trình cứu trợ, điều đó có thể khiến Hy Lạp rời khỏi eurozone. Khả năng này hiện đang được các nhà lãnh đạo châu Âu bàn luận công khai. Ông Richard Corbett, cố vấn cao cấp của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, phủ nhận khả năng đó. Theo đài BBC, ông Corbett quả quyết: “Chúng tôi không có kế hoạch để Hy Lạp ra đi. Điều đó không giúp Hy Lạp được gì và cũng không giúp ích gì các nước EU khác”.
Trong khi đó, sau cuộc hội đàm ở Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merkel, tân TT Pháp François Hollande bày tỏ quan điểm ông muốn Hy Lạp ở lại eurozone. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng tuyên bố sẽ là một lỗi lầm lớn nếu Hy Lạp rời khỏi eurozone.
Ngược lại, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen là người đã công khai bàn về viễn cảnh Hy Lạp ra khỏi eurozone. Ông khẳng định: “Nếu Hy Lạp rời khỏi đồng euro, có lẽ điều đó sẽ không gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính đáng kể. Thế nhưng, có thể chúng tôi sẽ gặp những vấn đề khác. Tất nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội Hy Lạp”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng công khai nói đến viễn cảnh Hy Lạp rời khỏi eurozone. Bà tuyên bố điều quan trọng là phải chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho khả năng này, đồng thời cảnh báo rằng khi đó sẽ xảy ra một tình trạng hết sức lộn xộn. Bà thừa nhận: “Đó là một phần của những lựa chọn mà chúng tôi đang phải xem xét về mặt kỹ thuật”.
Không sáng sủa Một giới chức liên quan đến cuộc đàm phán về Hy Lạp tại Ủy ban châu Âu xác nhận: “Chính phủ 16 quốc gia khác trong eurozone thực sự đã hết kiên nhẫn với Hy Lạp. Quyết định hiện nay nằm trong tay Athens. Thế nhưng, viễn cảnh nước này không được sáng sủa”. |
Bình luận (0)