Ảnh: REUTERS
Xu hướng tội phạm mới
Angelos, 38 tuổi, cho biết: “Họ bảo tôi chuyển tiền để trả chi phí làm thủ tục và đi lại nhưng mãi không nhận được vé máy bay như đã hứa”. Các cuộc gọi điện thoại sau đó của anh đều không có ai nghe máy. Không cam tâm, Angelos bỏ công lặn lội đi từ Athens đến thành phố cảng Thessaloniki cách đó gần 500 km để biết được địa chỉ của công ty giới thiệu việc làm nói trên là giả. Biết bị lừa nhưng người cha 2 con từ chối cho biết họ tên đầy đủ vì lo ngại cơ hội tìm việc của mình bị ảnh hưởng.
Angelos là một trong số ngày càng nhiều người thất nghiệp Hy Lạp trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo như thế. Nhà chức trách cho biết bọn tội phạm đang tăng cường nhắm vào số đông tuyệt vọng vật lộn với suy thoái kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp tăng đến 27%.
Một người phát ngôn giấu tên của đơn vị chống tội phạm điện tử trực thuộc lực lượng cảnh sát Hy Lạp nói với báo The New York Times (Mỹ): “Ngày càng có nhiều người đến trình báo về lừa đảo việc làm. Bọn tội phạm quảng cáo những công việc hứa hẹn ở nước ngoài, nhận tiền rồi biến mất. Thỉnh thoảng công việc được quảng cáo có thật nhưng người lao động chỉ nhận được một phần tiền lương so với quảng cáo”. Người phát ngôn này cho biết họ có bằng chứng nhưng quá trình điều tra thường bị đình trệ bởi tính chất xuyên biên giới của sự việc. Vì thế, Hy Lạp đã yêu cầu sự hỗ trợ của các nước liên quan, nhất là những điểm đến hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn như Đức, Anh...
Khó trấn áp
Trong 3 năm kể từ khi chính phủ “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các gói giải cứu tài chính từ các nhà tín dụng quốc tế, ước tính 120.000 người Hy Lạp đã rời bỏ đất nước, theo nghiên cứu gần đây của Đại học Macedonia ở Thessaloniki. Điểm đến ưa thích của phần lớn người này là những quốc gia thịnh vượng hơn ở châu Âu hoặc Úc. Tại Đức, thống kê gần đây của chính phủ cho thấy số lượng người nhập cư Hy Lạp đã tăng 43% vào năm ngoái.
Những người lao động không có kỹ năng thường khó ra nước ngoài hơn và đa phần nạn nhân của bọn lừa đảo việc làm là đối tượng này. Ông Michalis Kandarakis, giám đốc cơ quan thanh tra lao động nhà nước Hy Lạp, cho biết hiện có khoảng 300 công ty dịch vụ việc làm trái phép so với khoảng 90 công ty hợp pháp. Theo ông, không dễ gì đóng cửa những công ty phi pháp bởi họ thường thay đổi tên tuổi, văn phòng và nhân viên để lẩn tránh sự chú ý của nhà chức trách. Táo tợn hơn, một số công ty còn “tố” ngược các thanh tra quấy rối hoặc tống tiền để làm chậm tiến trình điều tra.
Bên cạnh đó, những nỗ lực điều tra còn vấp phải khó khăn do nạn nhân không chịu trình báo với nhà chức trách, nhất là những người đã rời khỏi Hy Lạp do lo ngại sẽ bị trục xuất về nước. Dù vậy, điều khiến các nạn nhân đau lòng hơn cả là những kẻ lừa gạt họ trong lúc khốn cùng thường là đồng bào của mình.
Bình luận (0)