Thông tin như trên xuất hiện ở Moscow trong bối cảnh Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đến thăm Nga và dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 8-4.
Trước chuyến thăm Moscow, Thủ tướng Tsipras đã lên án lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như “một con đường dẫn đến ngõ cụt”.
Ông Tsipras đến Moscow trong khi chính phủ của ông có nguy cơ không thể thanh toán khoản tiền cứu hộ 450 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 9-4.
Châu Âu chỉ trích hành động ve vãn Nga của Hy Lạp vì cho rằng điều đó có thể làm hủy hoại mặt trận thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) chống lại sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Các giới chức EU e ngại bất kỳ khoản cho vay giải cứu nào của Nga đều có thể thuyết phục Athens phủ quyết lệnh trừng phạt đối với Kremlin liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố không thể chấp nhận được nếu Thủ tướng Tsipras “gây nguy hiểm” cho chính sách chung của châu Âu đối với Nga để nhận được sự trợ giúp của Kremlin.
Thế nhưng, một nguồn tin chính phủ Nga hôm 7-4 khẳng định vấn đề tín dụng dành cho Athens vẫn còn đang được bàn bạc. “Chúng tôi sẵn sàng xem xét vấn đề giảm giá khí đốt cho Hy Lạp, đồng thời sẵn sàng thảo luận khả năng dành cho Athens những khoản nợ mới. Đổi lại, chúng tôi quan tâm đến những động thái có qua có lại, nhất là Nga có thể nhận được những tài sản đặc biệt ở Hy Lạp” - nguồn tin trên nhấn mạnh.
Nguồn tin không xác định cụ thể đó là những tài sản nào nhưng báo chí Nga cho biết đó có thể là Công ty DEPA của Hy Lạp, nhà điều hành xe lửa TrainOSE và các cảng biển ở Athens và Thessaloniki…
Bộ Năng lượng Hy Lạp đã mời các công ty Nga thăm dò trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này. Đổi lại, Hy Lạp cho thấy nước này muốn ủng hộ kế hoạch xây dựng đường ống mới của Kremlin đi qua Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Ngoài ra, Điện Kremlin có thể dỡ bỏ cho Hy Lạp một phần lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với châu Âu để mong Athens thúc đẩy một mặt trận ủng hộ Nga.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu phản đối bất cứ thỏa thuận nào về thực phẩm giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời tuyên bố mọi quốc gia châu Âu đều cần phải được đối xử bình đẳng.
Bình luận (0)