Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên khu vực đồng euro (Eurozone) được triệu tập khẩn cấp vào ngày 7-7 sau khi có tới 61% cử tri Hy Lạp quay lưng với những đòi hỏi của bộ 3 chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 5-7.
Từ chiều 6-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel tức tốc lên đường sang Paris để thảo luận với Tổng thống Pháp François Hollande. Áp lực đang đè nặng lên nữ thủ tướng quyền lực nhất thế giới bởi Berlin có thể thiệt hại tới 82 tỉ euro từ việc Hy Lạp “phá bỏ những cây cầu cuối cùng với Eurozone”, theo lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Sigmar Gabriel.
Trong diễn biến mới nhất, nguồn tin trong chính phủ Hy Lạp cho biết Thủ tướng Alexis Tsipras đã hứa với bà Merkel là sẽ trình bày các đề xuất mới vào ngày 7-7.
Cụ bà gục ngã khi đang xếp hàng đợi nhận lương hưu tại chi nhánh của Ngân hàng Eurobank
ở TP Thessaloniki - Hy Lạp hôm 6-7 Ảnh: REUTERS
Báo Telegraph (Anh) gọi kết quả đó là thất bại lớn nhất mà châu Âu phải chịu đựng kể từ “cơn ác mộng” Hiến pháp châu Âu bị người Pháp và Hà Lan chối bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân một thập kỷ trước.
Ngược lại, Thủ tướng Tsipras gọi kết quả vượt cả mong đợi nói trên là sự chiến thắng của dân chủ, đồng thời ca ngợi người dân Hy Lạp có một lựa chọn dũng cảm. Hàng ngàn người đã ăn mừng suốt đêm tại trung tâm thủ đô Athens, hào hứng vẫy cờ và hô vang “không, không, không”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis - một trong những người kiên định nhất với chiến dịch nói “không” - lại khiến không ít người ngỡ ngàng khi tuyên bố từ chức hôm 6-7. Trước đó, ông Varoufakis tuyên bố sẽ từ chức nếu người Hy Lạp chấp thuận các yêu cầu của nhóm chủ nợ.
Theo Reuters, vị bộ trưởng nhậm chức chưa đầy 6 tháng này tiết lộ một số đối tác châu Âu không muốn sự có mặt của ông trong các cuộc đàm phán sau khi ông nhiều lần khiến các quan chức Eurozone nổi giận vì những phát biểu cứng rắn.
Ông Varoufakis còn nói thêm quyết định từ chức của ông có thể giúp Thủ tướng Tsipras dễ đạt được thỏa thuận hơn. Giới quan sát cho rằng việc “hy sinh” Bộ trưởng Varoufakis chứng tỏ ông Tsipras tha thiết đạt được một thỏa thuận cứu trợ có những điều kiện tốt hơn cho Athens.
Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp đã tuyên bố một cách tự tin rằng kết quả bỏ phiếu gây rúng động nói trên sẽ giúp nước này có thêm sức mạnh trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Eurogroup (Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone), cảnh báo Hy Lạp sẽ phải trả giá vì phút huy hoàng đó. “Kết quả đó cực kỳ đáng tiếc đối với tương lai của Hy Lạp. Để phục hồi kinh tế, Athens sẽ không thể tránh khỏi các biện pháp cải cách khắc nghiệt” - ông Dijsselbloem nhận định.
Mặc dù phần lớn người dân Hy Lạp vẫn muốn nước mình ở lại Eurozone nhưng kết quả trên lại khiến các bên càng khó tìm được tiếng nói chung. Điều này có nghĩa là Hy Lạp đang tiến gần hơn nguy cơ rời khỏi Eurozone.
Theo đài BBC, dù Hy Lạp ra đi hay ở lại Eurozone thì cả hai bên đều phải trả những cái giá kinh khủng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã tiến gần bờ vực sụp đổ hoàn toàn, các lãnh đạo châu Âu không còn nhiều thời gian để lựa chọn.
Nếu theo đúng tuyên bố trước đó thì các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa lại vào ngày 7-7. Dù vậy, sau 1 tuần đóng cửa, các ngân hàng Hy Lạp đang cần một gói cứu trợ khẩn cấp mới từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để tránh kịch bản hết sạch tiền mặt chỉ trong vài ngày tới.
ECB dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này tại cuộc họp ngày 6-7 (giờ địa phương). Trước mắt, kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ chỉ làm gia tăng nỗi lo máy rút tiền tự động ở nước này khó có thể “sống lại” như kế hoạch.
Chứng khoán toàn cầu tuột dốc
Chứng khoán toàn cầu hôm 6-7 đồng loạt rớt giá sau khi người dân Hy Lạp phản đối những điều kiện của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ.
Ở châu Âu, chỉ số DAX của Đức giảm 1,4%, còn chỉ số CAC của Pháp giảm 1,6%. Trong khi đó, màu đỏ xuất hiện nhiều hơn trên các bảng điện tử chứng khoán khắp châu Á. Chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 2,2% trong khi chỉ số KOSPI ở Hàn Quốc giảm 2,4% và chỉ số ASX ở Úc giảm 1,2%.
Riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc lại tăng điểm (gần 8%) nhưng đó là do Bắc Kinh áp dụng một loạt biện pháp hỗ trợ chưa từng có để ngăn chặn cổ phiếu tiếp tục rớt giá sau khi mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6 vừa qua. Theo Reuters, chỉ số CSI 300 của các công ty lớn nhất niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến tăng 2,9%.
Đài CNN đưa tin thị trường tiền tệ và trái phiếu có phản ứng nhẹ nhàng hơn. Sau khi giảm giá khoảng 1%, đồng euro ổn định giá ở mức 1 euro đổi được 1,10 USD. Trái phiếu do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới phát hành theo chương trình giải cứu riêng của họ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Ngoài ra, giá dầu thô Brent có lúc giảm 2,04 USD, xuống còn 58,28 USD/thùng.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đang chờ quyết định của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về việc có tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp đang kẹt tiền mặt hay không.
Lục San
Bình luận (0)