Tàu khảo sát Xiang Yang Hong 03 rời căn cứ tại đảo Hải Nam vào sáng 6-1 (giờ địa phương). Nó bị lực lượng cảnh sát biển Indonesia chặn lại gần eo biển Sunda hồi tuần này. Tất cả những con tàu di chuyển qua eo biển chiến lược này đều phải báo vị trí qua AIS nhưng khi bị chặn, thủy thủ đoàn của Xiang Yang Hong 03 khẳng định rằng thiết bị AIS của họ đã bị hỏng.
Tờ Asia Times đưa tin: "Cơ quan An ninh Hàng hải cho biết Xiang Yang Hong 03 đã tắt thiết bị phát sóng 2 lần khi đi qua quần đảo Natuna và sau đó tại eo biển Karimata".
Vụ việc trên là diễn biến mới nhất trong 1 loạt những hành vi hàng hải đáng lo ngại của Bắc Kinh, trong đó bao gồm việc thiết bị dưới nước không người lái (UUV) của nước này được tìm thấy trong vùng biển của Indonesia hồi cuối tháng 12-2020.
Tàu khảo sát Xiang Yang Hong 03 của Trung Quốc. Ảnh: USNI News
UUV thường được sử dụng để thu thập dữ liệu về dòng chảy, âm học và môi trường hàng hải. Các dữ liệu này có thể được dùng cho nghiên cứu khoa học hợp pháp. Tuy nhiên, tình báo hải quân cũng có khả năng sử dụng UUV để lên kế hoạch cho hoạt động của tàu ngầm. Các tàu khảo sát thường được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hải quân tùy thuộc vào địa điểm và dữ liệu mà nó thu thập.
Phát hiện trên khiến một số người hoài nghi rằng Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo tại vùng biển Indonesia. Điều này có thể liên quan đến các hoạt động của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Eo biển Sunda, cùng với eo biển Lombok và eo biển Malacca, là những điểm chiến lược giữa biển Đông và Ấn Độ Dương. Tất cả tàu thuyền đến khu vực này đều phải đi qua vùng biển Indonesia. Nếu PLAN muốn hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ Dương, họ sẽ phải xem xét các tuyến đường an toàn nhất đi qua các khu vực này. Đây là điều đòi hỏi một hoạt động khảo sát sâu rộng.
Được biết, tàu Xiang Yang Hong 03 thường xuyên đi qua vùng biển Indonesia. Hoạt động của con tàu này có trực tiếp liên quan tới hoạt động của tàu ngầm, tình báo hải quân hay nghiên cứu khoa học hợp pháp hay không là điều rất khó nói nhưng làm dấy lên câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà phân tích Malcom Davis của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nói với tờ Asia Times: “Những phát hiện ở vùng biển Indonesia cho thấy chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến những gì Trung Quốc đang làm và tại sao họ làm vậy".
Bình luận (0)