Theo ông Jusuf Kalla, Jakarta đã gửi thông điệp đến Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Indonesia ở vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Phó Tổng thống Kalla cho biết: “Đây không phải là một cuộc đụng độ mà là chúng tôi đang bảo vệ khu vực này”. Khi được hỏi liệu chính phủ Indonesia sẽ có những bước đi cứng rắn hơn, lãnh đạo này khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm điều đó”.
Mặc dù không liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc, nhưng Jakarta phản đối “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ "liếm" đến tận một phần vùng biển quanh Natuna.
Trong khi Bắc Kinh tuyên bố không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Jakarta nhưng tàu Trung Quốc gần đây thường xuyên đánh cá trong vùng biển quanh quần đảo này vì cho đó là “ngư trường truyền thống".
Đề cập đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), ông Kalla cho hay: “Indonesia đang tập trung vào cơ sở pháp lý. Chúng tôi sẽ gửi đi thông điệp yêu cầu họ tôn trọng khu vực này theo luật quốc tế”.
Cùng ngày, Đô đốc Edi Sucipto, phát ngôn viên hải quân Indonesia, xác nhận một tàu chiến Indonesia đã bắn cảnh cáo vào các tàu cá Trung Quốc trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna và bắt giữ một con tàu cùng 7 thuyền viên.
“Chúng tôi sẽ không do dự thực hiện những hành động kiên quyết đối với bất kỳ tàu nước ngoài nào xâm phạm lãnh thổ Indonesia” - ông Sucipto nói.
Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Susi Pudjiastuti cũng khẳng định: “Chúng tôi không nổ súng mà không có lý do rõ ràng. Bảo vệ chủ quyền đất nước là điều phải làm”.
Học giả "bồ câu" của Trung Quốc tử nạn
Ngô Kiến Dân, học giả Trung Quốc nhiều lần phản bác quan điểm của nước này trên biển Đông, vừa qua đời trong một tai nạn xe hơi hôm 18-6.
Chiếc xe chở ông cùng 4 người khác đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ông qua đời ở tuổi 77.
Được mệnh danh là "chim câu hòa bình", ông Ngô là nhà ngoại giao nổi tiếng ở Trung Quốc, từng làm đại sứ tại Pháp, Hà Lan và Liên Hiệp Quốc. Ông cũng từng là phiên dịch cho các lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai...
Với quan điểm Trung Quốc nên tuân thủ các luật lệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, ông Ngô trở thành kẻ "mang tâm thế nhược tiểu" trong mắt nhiều chính trị gia nước này. Ông lại càng mờ nhạt kể từ ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và đặt trọng tâm xây dựng "giấc mơ Trung Hoa".
Theo trang Financial Times, hồi tháng 4-2016, ông Ngô tranh cãi quyết liệt với Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến vì cho rằng "các bài viết hết sức cực đoan" của tờ báo này làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận ngoại giao với Nhật Bản.
Riêng về vấn đề biển Đông, ông Ngô cho rằng Trung Quốc nên giải quyết vấn đề một cách hòa bình. "Nước nào phát động chiến tranh trong lúc đang hòa bình và phát triển sẽ phải trả giá. Trung Quốc không bao giờ nên làm điều này" - ông Ngô nhấn mạnh trong một cuộc tranh luận với tướng "diều hâu" La Viện.
"Ông ấy là người dũng cảm, luôn cất lên tiếng nói" - ông Thời Ân Hoành, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, khen ngợi.
Bình luận (0)