Theo số liệu vừa được Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải Indonesia (CMMA) công bố, hiện có khoảng 2.800 nhà máy, chủ yếu là dệt vải, hoạt động dọc con sông dài nhất tỉnh Tây Java này.
Những nhà máy này trực tiếp xả nước thải không qua xử lý xuống sông Citarum bất chấp các quy định bảo vệ môi trường. Tình trạng này xảy ra từ những năm 1990 và nó xuất phát từ vấn đề quản lý lỏng lẻo, báo cáo sai sự thật và hối lộ - theo các nhà hoạt động vì môi trường. Bên cạnh nhà máy, nước thải sinh hoạt cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cũng khiến Citarum ô nhiễm nặng nề.
“Con sông ô nhiễm nhất thế giới” Citarum sẽ được quân đội Indonesia làm sạch trong 7 năm Ảnh: SCMP
Qua nhiều thập kỷ, Citarum biến thành một vùng đầm lầy độc hại và từng bị Ngân hàng Thế giới gọi là con sông ô nhiễm nhất thế giới - theo tờ South China Morning Post. Để cứu Citarum, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 2-2018 triển khai chiến dịch làm sạch con sông này trong 7 năm, với trọng trách đặt lên vai quân đội và CMMA. Ông Asep Kusumah, Giám đốc Cơ quan Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên TP Bandung, tỉnh Tây Java, so sánh quân đội như "một liều thuốc mạnh của bác sĩ chuyên khoa".
Trong khi đó, ông Safri Burhanuddin, Thứ trưởng CMMA, khẳng định sự hiện diện của quân đội mang lại sự khác biệt lớn vì họ làm việc không ngừng nghỉ. Trong quá khứ, theo ông Burhanuddin, rác thải sẽ lại chất thành đống tại những khu vực vừa được dọn sạch vì các nhà máy thường lén xả rác thải vào ban đêm. Ông Burhanuddin dự báo ô nhiễm trên sông Citarum sẽ giảm đáng kể trong 4-5 năm tới.
Dù vậy, không phải ai cũng hứng khởi với kế hoạch của Tổng thống Widodo. Các nhóm xã hội dân sự khẳng định họ trân trọng nỗ lực của quân đội nhưng họ nghi ngờ ông Widodo phát động chiến dịch này vì mục đích chính trị - ám chỉ cuộc bầu cử vào tháng 4 tới khi ông Widodo muốn tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Bình luận (0)