Khi được hỏi liệu sự hợp tác phát triển vắc-xin có ảnh hưởng đến lập trường của Indonesia trên vùng biển tranh chấp hay không, bà Marsudi đáp: "Tôi có thể trả lời chắc chắn. Không. Đó là 2 vấn đề khác nhau".
Trước đó, bà Marsudi từng nhiều lần khẳng định Indonesia không phải là một quốc gia tranh chấp biển Đông và đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố phần lớn chủ quyền vùng biển này "không có cơ sở pháp lý".
Indonesia đang hợp tác với Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, quốc gia này còn hợp tác với một công ty Trung Quốc khác, Sinopharm, để đảm bảo nguồn cung vắc-xin cho 260 triệu công dân Indonesia.
Thời gian qua, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng trên biển Đông giữa lúc cuộc đua vắc-xin Covid-19 tăng nhiệt.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: Reuters
Đầu năm nay, Hải quân Mỹ tuyên bố một tàu khu trục tên lửa hành trình của họ đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Tháng rồi, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna.
Khi được hỏi về tình huống này, bà Marsudi khẳng định tàu của nước khác có thể hiện diện tại EEZ của Indonesia nếu nó chỉ đi ngang qua, không phải để thực hiện yêu sách lãnh thổ.
"Những vụ việc tương tự có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với họ, giữ vững lập trường của mình" – bà Marsudi nói thêm.
Bình luận (0)