Ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc đã được bầu làm chủ tịch mới của cơ quan này sau khi phương Tây lên tiếng lo ngại về ứng viên còn lại và được đánh giá là sáng giá hơn - ông Alexander Prokopchuk, một người Nga và là một trong 4 phó chủ tịch Interpol.
Để chiến thắng, ứng viên cần đạt được 2/3 phiếu bầu.
Trước đó, theo Reuters ngày 20-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này ủng hộ ông Kim Jong-yang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Interpol. Ông Kim Jong-yang đảm trách cương vị quyền chủ tịch Interpol sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ, người Trung Quốc, gửi thư từ chức.
Người đắc cử sẽ lên thay ông Mạnh Hoành Vĩ và đảm nhận nhiệm kỳ 4 năm. Ông Mạnh biến mất sau khi trở về quê nhà hồi tháng 9. Sau khi vợ ông Mạnh trình báo vụ việc chồng mình mất tích, Bắc Kinh mới cho biết quan chức này bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ.
Ông Kim Jong-yang. Ảnh: Interpol
Ông Alexander Prokopchuk. Ảnh: Reuters
Vị trí chủ tịch Interpol dù chủ yếu mang tính lễ nghi nhưng vẫn có không ít ảnh hưởng. Vì thế, viễn cảnh một người Nga lên đảm nhận vị trí này khiến châu Âu và Mỹ không khỏi lo ngại về nguy cơ Nga lợi dụng sức mạnh, quyền lực của Interpol hoặc can thiệp vào hoạt động của họ.
Ông Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ, cáo buộc Nga thường sử dụng Interpol để theo đuổi các đối thủ chính trị. Ông này cho rằng các nước "tự do và dân chủ" có thể cần phải lập ra một tổ chức song song với Interpol trong trường hợp ông Prokopchuk lên làm chủ tịch Interpol.
Trong khi đó, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ trong tuần này cáo buộc Nga tận dụng Interpol để trấn áp người chỉ trích và cho rằng việc bầu ông Prokopchuk làm chủ tịch cơ quan này cho phép Moscow tăng cường hành vi này.
Đáp lại, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ nỗi lo nói trên của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ và cho rằng họ đang tìm cách tác động đến kết quả cuộc bỏ phiếu của Interpol.
Bình luận (0)