Hàng trăm người tuần hành và tụ tập bên ngoài ngân hàng trung ương, kêu gọi thống đốc từ chức và hô to các khẩu hiệu chống chính phủ.
Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông trong khi một số người biểu tình đốt vỏ xe và thùng cao su. Nhiều người bị bắt.
Chính phủ đã đóng cửa các cửa hàng trao đổi tiền tệ nhằm giảm bớt tình trạng rối loạn và bắt giữ những người đổi tiền bất hợp pháp ở Tehran.
Ông Ahmad Karimi-Esfahani, người đứng đầu nghiệp đoàn chợ ở Tehran, cho biết các chủ cửa hàng không dám mở cửa vì họ sợ không an toàn. Ông dự kiến họ mở cửa lại vào ngày 4-10.
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Tehran. Ảnh: BBC
Đã có lời đồn đoán rằng cuộc biểu tình ở Tehran có thể được kích động bởi các thương gia bảo thủ liên kết với các đối thủ của Tổng thống Ahmadinejad, nhằm thúc ép ông từ chức.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 3-10, Tổng thống Ahmadinejad một mực bác bỏ chỉ trích của người dân về việc tiền bị mất giá là do các chính sách của chính phủ. Theo ông, đó là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời khẳng định chính phủ Iran có đủ ngoại tệ dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Theo tỉ giá quy đổi ngày 3-10, một USD ăn 39.000 Rial. Trước đó một ngày, tỉ giá quy đổi là 34.500 Rial/USD và chỉ là 24.000 Rial/USD cách đây khoảng một tuần.
Việc đồng Rial suy yếu khiến các công ty Iran gặp khó khăn trong nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài và gây tâm lý hoang mang trong người dân, khiến nhiều người đổ xô đi đổi Rial sang ngoại tệ.
Cùng ngày 3-10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố chính phủ Iran phải chịu trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này. Bà cũng cho hay Mỹ trừng phạt Iran là nhằm thuyết phục Tehran đàm phán nghiêm túc và thiện chí về chương trình hạt nhân.
Nguồn: VOA/YouTube
Bình luận (0)