Để trở thành một ninja chính hiệu, các nữ chiến binh Iran phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt. Họ học cách leo trèo, nhảy qua các bức tường, ẩn mình trong những ngọn núi và học kỹ thuật "cắt cổ đối thủ mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào".
Lò đào tạo nữ ninja (gọi là "kunoichi") tại Iran ra đời vào năm 1989, trụ sở chính đặt tại lâu đài Jughin, cách thủ đô Tehran khoảng 40 km.
Học viên môn Ninjutsu tại Iran luyện tập trên sa mạc. Ảnh: ANADOLU
Huấn luyện viên môn Ninjutsu Fatima Muamer nói rằng võ thuật ngày càng thu hút phụ nữ bởi nó giúp cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần. "Bài học quan trọng nhất của Ninjutsu là lòng tự trọng và khiêm tốn. Họ học cách tôn trọng bản thân, tôn trọng sự tồn tại của bản thân và nghệ thuật mà họ đang làm chủ. Sự bình tĩnh là bài học quan trọng nhất" - bà Muamer xác nhận với tờ Daily Mail (Anh).
Các học viên còn học cách sử dụng một số loại vũ khí có tính sát thương lớn như cung, kiếm, côn nhị khúc và ám khí "shuriken".
Học viên Ninjutsu còn được dạy cách sử dụng vũ khí. Ảnh: ANADOLU
Ông Akbar Faraji – người đầu tiên đem môn Ninjutsu tới Iran khi ông thành lập CLB dạy môn võ này cách đây 22 năm – cho biết: "Trong Ninjutsu, chúng tôi gọi nam giới là ninja, còn nữ giới được gọi là kunoichi. Để trở thành một ninja đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và tinh thần dũng cảm. Ninjutsu, hay võ thuật nói chung, giống như một loại thuốc. Cũng giống như nọc độc của loài rắn, nó rất nguy hiểm nhưng cũng có thể là thuốc giải độc tốt".
Ninjutsu được xem là một trong những môn võ "chết người", thường được sử dụng tại Nhật Bản từ năm 1185-1868. Bản thân những phụ nữ theo học môn võ này cho rằng nó giúp họ chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống, kiên nhẫn, mạnh mẽ và kỷ luật hơn.
Bình luận (0)