Theo báo cáo nêu trên, từ năm 2006 đến năm 2017, Iran đã thiệt hại tổng cộng hơn 500 tỉ USD vì bị cộng đồng quốc tế trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân. Còn chi phí để phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình hạt nhân "ngốn" của Iran 50 tỉ USD.
Ông Mohammad Al Nuaimi, chuyên gia về Iran ở Trường ĐH Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), khẳng định mức độ nghiêm trọng của lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế, ở cấp độ chính phủ lẫn công ty.
Ông Mohammad Al Nuaimi (trái) trong buổi thảo luận trước thềm Diễn đàn Chiến lược Ả Rập (ASF). Ảnh: Gulf News
Ông Al Nuaimi nói rằng trong khi các công ty châu Âu nhiều khả năng sẽ tẩy chay Iran để tránh bị trừng phạt, một số công ty châu Á có thể tiếp tục hợp tác hay thậm chí là tăng cường hợp tác với Iran nếu không bị chính phủ Mỹ gây sức ép.
"Báo cáo tính toán chi phí của chương trình hạt nhân Iran theo 2 phần: chi phí trực tiếp đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng và vận hành bên cạnh chi phí gián tiếp do tác động của lệnh trừng phạt kinh tế" – ông Al Nuaimi giải thích.
Báo cáo trên cũng tính toán chi phí, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, của chương trình hạt nhân đối với Iran trong năm 2018.
Báo cáo cho biết công trình xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr, với chi phí lên đến 12 tỉ USD, chiếm phần lớn chi phí về cơ sở hạ tầng trong chương trình hạt nhân của Iran, khiến cho Bushehr là một trong những nhà máy hạt nhân tốn kém nhất thế giới.
Nhà máy hạt nhân Bushehr "ngốn" của Iran 12 tỉ USD. Ảnh: Gulf News
Ngoài ra, do lệnh trừng phạt mới theo sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, những tổn thất về kinh tế mà Iran hứng chịu trong năm 2018 sẽ tăng mạnh – ông Al Nuaimi cho biết.
"Tình hình kinh tế khó khăn ở Iran gây ra hàng loạt cuộc biểu tình ở nhiều khu vực trên khắp cả nước trong những năm qua. Người biểu tình bất mãn chủ yếu vì lạm phát, thất nghiệp, nghèo đói và tham nhũng" – ông Al Nuaimi cho biết.
Chưa hết, các biện pháp trừng phạt hiện hành còn giới hạn dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Iran.
Ông Hussain Sulaiman, Trung tâm nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al Ahram, cho biết các công ty nước ngoài đã hủy hàng loạt hợp đồng đầu tư với tổng giá trị lên đến hàng chục tỉ USD, đặc biệt là ở lĩnh vực năng lượng, với Iran.
Bình luận (0)