Bà Federica Mogherini, quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), hôm 13-5 khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và muốn các bên liên quan tránh để căng thẳng leo thang.
Phát biểu trước thềm cuộc gặp với những người đồng cấp tại Brussels - Bỉ, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh báo: "Chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ giữa Mỹ và Iran xuất phát từ hành động leo thang ngoài dự tính". Ông Hunt khẳng định điều quan trọng lúc này là nỗ lực nhằm ngăn Iran quay lại với con đường hạt nhân hóa.
Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ có cuộc gặp với các quan chức EU tại Brussels để thảo luận về vấn đề Iran. Sau cuộc gặp mặt này, ông Pompeo dự kiến đến TP Sochi - Nga để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong ngày 14-5 cũng để bàn về vấn đề Iran.
Hồi tuần trước, các nước châu Âu nhấn mạnh muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và phản đối Tehran làm giàu uranium sau khi Iran nới lỏng những giới hạn trong chương trình hạt nhân của mình và đe dọa sẽ có những bước đi có thể vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Động thái của Iran nhằm đáp trả việc Mỹ áp đặt cấm vận sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran một năm trước.
Cuộc họp của EU diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Iran tiếp tục lời qua tiếng lại về việc Washington triển khai lực lượng quân sự trong khu vực. Chỉ huy không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh cho rằng lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở vùng Vịnh từng là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng nay trở thành "mục tiêu" và "cơ hội". Ông Hajizadeh cảnh báo: "Nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào, chúng tôi lập tức đáp trả".
Trả lời phỏng vấn đài CNBC (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lý giải việc triển khai lực lượng quân sự là cần thiết do có thông tin tình báo về nguy cơ Iran sắp tiến hành tấn công. "Trong tình huống Iran quyết định tấn công, đe dọa lợi ích của Mỹ dù là ở Iraq, Afghanistan, Yemen hoặc bất cứ nơi nào tại Trung Đông, chúng tôi sẵn sàng đối phó theo cách phù hợp. Tuy nhiên, mục đích của Mỹ không phải là gây chiến" - ông Pompeo cho hay.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang sau khi Mỹ điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến vịnh Ba Tư. Ảnh: REUTERS
Trong diễn biến liên quan căng thẳng ở khu vực, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih hôm 13-5 cho biết 2 tàu chở dầu của nước này bị phá hoại ở vùng biển ngoài khơi Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), gây thiệt hại đáng kể. Một trong 2 con tàu đó đang trên đường lấy dầu từ Ả Rập Saudi chở đến Mỹ. Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi Mỹ cảnh báo các thủy thủ của họ và đồng minh ở khu vực về vụ phá hoại 4 tàu ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của UAE hôm 12-5.
Theo hãng tin AP, giới chức UAE từ chối cho biết cụ thể về bản chất vụ phá hoại và cũng không xác định đối tượng có khả năng gây ra vụ việc. Trước đó, Mỹ cảnh báo các tàu rằng Iran hoặc các lực lượng đại diện của Tehran có thể tấn công vào những phương tiện trên biển trong khu vực. Washington cũng đã cho triển khai một tàu sân bay và đội máy bay ném bom B-52 đến vịnh Ba Tư để đối phó với những mối đe dọa từ Tehran.
Phản ứng trước thông tin các tàu chở dầu bị phá hoại, theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cảnh báo về âm mưu của những kẻ xấu và các thế lực bên ngoài tìm cách phá hoại sự ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.
Trong khi đó, ông William Fallon, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, nhận định với kênh Al Jazeera rằng căng thẳng giữa Tehran và Washington đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và không cho rằng sẽ dẫn đến kết cục nghiêm trọng bất chấp hai bên khẩu chiến trong những ngày qua. Cũng không nghĩ rằng có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran, trong cuộc họp Quốc hội Iran, tân Tư lệnh IRGC Hossein Salami cho hay Mỹ đã bắt đầu "chiến tranh tâm lý" bởi việc triển khai lực lượng đến và đi khỏi khu vực chỉ là chuyện bình thường.
Bình luận (0)