"Hôm nay, chúng tôi đã đã đạt được bước tiến quyết định. Chúng tôi đã đi đến giải pháp với những thông số chủ chốt cho một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trong tương lai” - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết trong thông báo chính thức về thỏa thuận tại Lausanne – Thụy Sĩ.
Cũng theo lời bà Mogherini, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được chấm dứt nhưng không cho biết cụ thể thời gian – vấn đề vốn được cho là khiến cuộc đàm phán không ít lần mắc kẹt. Iran muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt này ngay lập tức trong khi Mỹ muốn duy trì chúng cho tới khi Iran thực hiện thỏa thuận. Thời gian cụ thể sẽ được xác định rõ khi giới chức đàm phán tiến hành đi đến thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc ngày 30-6.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi thỏa thuận khung mới đạt được này là một kết quả lịch sử của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
Phát biểu trong cuộc họp báo bất thường cùng ngày tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Obama cho biết thỏa thuận này sẽ “đóng cửa” con đường tìm cách chế tạo bom sử dụng uranium đã được làm giàu của của Iran. Ông chủ Nhà Trằng cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đã mở đường hướng tới một hiệp cuối cùng góp phần làm cho nước Mỹ, các đồng minh của Mỹ và toàn thế giới trở nên an toàn hơn.
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry , thỏa thuận khung vừa đạt được yêu cầu Iran cắt giảm trữ lượng urani làm giàu cấp độ cao tới 98% trong 15 năm. Nhà máy Fordo sẽ được sử dụng cho mục đích hòa bình và lò phản ứng Arak sẽ ngừng sản xuất plutoni cấp độ dùng cho vũ khí.
Tổng thống Obama ca ngợi thỏa thuận khung mới đạt được này là một kết quả lịch sử. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố rằng khi Iran triển khai các biện pháp theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran sẽ được hủy bỏ.
Ông cũng cho biết thêm rằng Tehran sẽ có thể tiếp tục chương trình hạt nhân hòa bình của mình nhưng sẽ có những hạn chế về mức độ và thời gian của chương trình làm giàu urani cũng như số lượng nguyên liệu hạt nhân được lưu trữ.
Cụ thể, Natanz sẽ là cơ sở duy nhất được làm giàu urani theo thời gian biểu được các bên thống nhất. Ngoài ra, cơ sở Fordow sẽ được chuyển đổi thành trung tâm nghiên cứu hạt nhân và nguyên tử. Lò phản ứng nước nặng Arak với sự giúp đỡ và hợp tác của quốc tế sẽ được xây dựng lại nhằm kiểm soát khả năng sản xuất plutoni bị cấm theo thỏa thuận.
Sau khi thỏa thuận được công bố, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận khung nói trên, cho rằng nó sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự.
"Đe dọa sự sống sót của Israel"
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng nếu thỏa thuận cuối cùng được ký vào tháng 6 dựa theo thỏa thuận khung nói trên sẽ “đe dọa sự sống sót của Israel". Ông cũng cảnh báo một thỏa thuận như vậy sẽ tăng nguy cơ dẫn tới “một cuộc chiến tranh đáng sợ”.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Obama, ông Netanyahu tiếp tục thể hiện rõ sự phản đối kịch liệt đối với thỏa thuận khung đạt được hôm 2-4. Một lần nữa Thủ tướng Israek kêu gọi “một thỏa thuận tốt hơn” và ông cho rằng cách duy nhất để đạt được thỏa thuận này là “duy trì và tăng cường sức ép lên Iran”.
Bình luận (0)