Theo quy định, vị trí thủ tướng sẽ dành riêng cho một người Hồi giáo dòng Shiite. Tuy nhiên, khối người Shiite hiện tại đã phân chia thành 5 liên minh nên không dễ dự báo kết quả cuối cùng. Bất kể liên minh nào chiến thắng cũng cần bắt tay với những khối khác, như liên minh của người Sunni và Kurd, để lập chính phủ liên hiệp.
Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi, người đứng đầu Liên minh Nasr, đặt mục tiêu tái đắc cử sau khi có công xây dựng lại quân đội và đánh bại IS. Ông hy vọng thu hút lá phiếu cử tri bằng thành tựu này ngay cả khi nhiều người dân cảm thấy cuộc sống chưa được cải thiện nhiều, vẫn còn thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn và hạ tầng xuống cấp. Ngoài ra, an ninh là một vấn đề lớn khác, nhất là khi mối đe dọa của IS còn đó.
Cử tri Iraq xếp hàng chờ bỏ phiếu tại TP Mosul hôm 12-5 Ảnh: REUTERS
Chính sách "trung tính" của ông Abadi bao gồm cho phép quân đội Mỹ hoạt động tại Iraq, tái thiết lập quan hệ ngoại giao với đồng minh Ả Rập Saudi của Mỹ nhưng vẫn duy trì quan hệ với lực lượng được Iran hậu thuẫn và chính Tehran. Các đối thủ chính của ông Abadi là cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki (đứng đầu Liên minh Pháp trị) và Hadi al-Amiri (đứng đầu Liên minh Fatah có liên hệ chặt chẽ với Iran).
Theo tờ The Washington Post, ông Amiri là hy vọng lớn nhất của Iran trong việc củng cố ảnh hưởng tại Iraq trong lúc ông Abadi là ứng viên được Mỹ ưa thích hơn. Cuộc đối đầu giữa 2 nhân vật này càng được chú ý sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nhà phân tích nhận định động thái này có thể khiến Iran chủ động hơn tại Iraq. "Iran sẽ đấu quyết liệt để kiểm soát mọi thứ ở Iraq, từ thị trường, kinh tế cho đến dầu mỏ…" - ông Ghalib Al Shahbandar, nhà phân tích chính trị người Iraq, nhận định. Nếu cả Mỹ lẫn Iran đều leo thang đối đầu, áp lực sẽ đè nặng lên vai ông Abadi trong việc chọn đứng về phe nào, nhất là trong trường hợp liên minh của ông giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội.
Bình luận (0)