Ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố “bằng chứng về quan hệ giữa phó tổng thống và các phần tử khủng bố” hôm 19-12, ông Hashemi đã tổ chức một buổi họp báo tại thành phố Irbil thuộc khu vực bán tự trị Kurdistan. Trong cuộc họp báo, phó tổng thống tuyên bố ông không phạm bất kỳ tội ác nào đối với đất nước và khẳng định những chứng cứ là ngụy tạo.
Một tờ báo ở Baghdad đăng ảnh ông Tariq al-Hashimi với chữ “bị truy nã” (Ảnh: AFP)
Phó tổng thống Hashimi, quan chức cấp cao nhất của người Hồi giáo dòng Sunni trong bộ máy nhà nước Iraq, cho rằng thủ tướng Nouri al-Maliki, một người Hồi giáo dòng Shiite, đứng nỗ lực bôi nhọ thanh danh của ông và gạt bỏ mọi nỗ lực hòa giải dân tộc.
Ông Hashimi khẳng định: “Tôi thực sự sốc khi nghe những cáo buộc của họ. Tôi xin thề trước thánh thần rằng tôi không phạm bất cứ tội ác hay điều sai trái nào đối với người dân Iraq hôm nay và sau này. Ông Maliki đứng đằng sau toàn bộ chuyện này. Đất nước đang nằm trong tay Maliki”.
Phó tổng thống Hashimi tuyên bố "sẵn sàng ra hầu tòa" với điều kiện vụ việc được xét xử tại khu tự trị của người Kurd. Ông cũng kêu gọi các đại diện của Liên đoàn Ả Rập tham gia tiến trình điều tra và mọi cuộc thẩm vấn. Lệnh bắt ông Hashemi khiến mối quan hệ giữa các đảng phái Hồi giáo dòng Sunni và Shiite trở nên căng thẳng giữa lúc binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq.
Ngày 20-12, thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp giữa các đảng phái chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bùng phát sau khi phó tổng thống Tariq al-Hashimi bị truy nã.
Cùng ngày, tổng thống Jalal Talabani cũng lên tiếng chỉ trích quyết định phát lệnh bắt ông Hashimi của Hội đồng Thẩm phán Tối cao Iraq là quá vội vàng. Tổng thống cho rằng "những quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tái thiết chính trị quốc gia cần có sự tham gia của tất cả các đảng phái".
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện riêng với ông Maliki và người phát ngôn Quốc hội Iraq Osama al-Nujaifi về tình hình chính trị và nhấn mạnh “cam kết quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Iraq” của Washington. Ông Biden đã thúc đẩy các lãnh đạo Iraq hợp lực để tránh nguy cơ xung đột các giáo phái.
Bình luận (0)