Ông Hashemi, 69 tuổi, đang ẩn náu tại khu tự trị người Kurd. Tuy đã thừa nhận có khả năng các vệ sĩ của mình thực hiện các vụ tấn công và sát hại một số quan chức an ninh và chính phủ Iraq, song ông Hashimi bác bỏ mọi sự dính líu của bản thân.
Ông Hashemi tuyên bố không tới Baghdad vì điều kiện an ninh và hệ thống pháp lý bị chính trị hóa. “Hầu hết vệ sĩ của tôi đã bị bắt và tịch thu vũ khí. Không hề có sự bảo vệ nào cho phó tổng thống. Làm sao tôi có thể quay về Baghdad khi không thể tự vệ?” – ông Hashemi nói.
Tuy vậy, ông Hashemi phủ nhận chuyện bỏ trốn. Ông quả quyết: “Tôi không có ý định rời Iraq lúc này trừ khi an toàn bản thân bị đe dọa. Tôi sẽ vẫn đảm trách công việc của phó tổng thống. Nếu tôi có quyết định rời Iraq thì đó là do trách nhiệm phó tổng thống, không phải đi tị nạn chính trị”.
Phó tổng thống Hashemi từ chối quay về Baghdad. Ảnh: RIA Novosti
Bộ Nội vụ Iraq cho biết các nghi can, được xác nhận là vệ sĩ của ông Hashemi, đã khai rằng ông có liên quan tới các vụ ám sát. Lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Hashemi, một trong các nhà lãnh đạo của người Hồi giáo dòng Sunni, được đưa ra chỉ một ngày sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq.
Đây đang là tâm điểm trong cuộc tranh cãi chính trị ở Iraq giữa Thủ tướng Nuri al-Maliki thuộc dòng Hồi giáo Shiite với khối Iraqiya của người Hồi giáo Sunni.
Ngoài ra còn có việc Thủ tướng Maliki yêu cầu cách chức Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlak, thuộc dòng Sunni, sau khi bị ông này chỉ trích là "độc tài còn hơn Saddam Hussein". Khối Iraqiya đã tẩy chay các hoạt động của quốc hội với cáo buộc Thủ tướng Maliki thao túng quyền lực.
Ngày 27-12 tới, dự kiến nội các Iraq sẽ nhóm họp. Thủ tướng Maliki đã tuyên bố nếu các bộ trưởng thuộc khối Iraqiya không đến dự, chính phủ sẽ chỉ định người thay thế.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Iraq. Tại các tỉnh người Sunni chiếm đa số là Salaheddin và Anbar, các vụ tấn công bằng súng và đánh bom trong ngày 25-12 đã làm 6 nhân viên an ninh Iraq thiệt mạng.
Mỹ hối thúc các phe phái Iraq hội đàm
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25-12 đã điện đàm với Thủ tướng Maliki về tình trạng bạo lực ở Baghdad cũng như căng thẳng chính trị hiện nay ở Iraq. Ông Biden cũng gọi điện cho ông Massoud Barzani, người đứng đầu khu tự trị người Kurd ở Iraq, nhằm tìm cách xoa dịu một cuộc khủng hoảng có nguy cơ đẩy Iraq trở lại xung đột sắc tộc từng khiến nước này đứng bên bờ vực nội chiến cách đây vài năm.
Trong khi Phó Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với những nỗ lực dàn xếp thương lượng giữa các bên ở Iraq thì tờ The New York Times ngày 25-12 cho biết Washington không có ý định gửi quân trở lại kể cả trong trường hợp bạo lực bùng phát. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố của quân đội Mỹ có thể trở lại Iraq dưới quyền của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). |
Bình luận (0)