Theo ông Shamsulddin, cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra mà không có sự phối hợp với chính phủ Iraq lâm thời. Thay vào đó, nó dựa trên thoả thuận giữa Ankara và Baghdad hồi những năm 1980.
"Thổ Nhĩ Kỳ không hỏi ý kiến chính phủ Iraq hiện tại. Điều đó sẽ gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ của chúng tôi với họ, đồng thời tạo ra một tình huống khó khăn. Sẽ rất khó để các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm việc tự do ở Iraq. Vì vậy, điều đó rất phiền hà" – ông Shamsulddin chỉ trích.
Khi được hỏi liệu Baghdad và Ankara có bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này hay không, ông Shamsulddin trả lời: "Không. Tôi nghĩ đã có rất nhiều cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ở cấp độ đó nhưng không mang lại kết quả. Không có chương trình nghị sự hoặc chiến lược nào về cách giải quyết vấn đề này bởi nó liên quan đến các vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, không phải vấn đề của người Iraq hay người Kurd".
Ông Shamsulddin cho biết thêm Iraq thông cảm với người Kurd ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Baghdad không thể can thiệp và không thể giải quyết vấn đề của họ.
Thành viên Hội đồng Đại diện Iraq Sarkawt Shamsulddin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không hỏi ý kiến nước này đã tiến hành cuộc không kích ở miền Bắc Iraq. Ảnh: AP
Hôm 6-8, hãng tin Anadolu dẫn lời Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cuộc không kích được nước này thực hiện nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq. Kết quả, 14 thành viên PKK thiệt mạng.
Cuộc không kích diễn ra ở các khu vực Metina và Gara như một phần của Chiến dịch Claw được Ankara phát động tại vùng Hakurk từ hôm 27-5.
Đến ngày 13-7, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành Chiến dịch Claw-2 tiếp nối "sự thành công của Chiến dịch Claw-1".
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt PKK vào danh sách khủng bố, cáo buộc tổ chức này chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 40.000 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu với PKK từ đầu những năm 1980. Năm 2013, PKK và Ankara ký thỏa thuận ngừng bắn nhưng bị sụp đổ 2 năm sau đó.
Bình luận (0)