Phát biểu này được đưa ra sau khi Tạp chí Undergrad của Trường ĐH Hồng Kông đăng bài viết đòi quyền tự trị cho Hồng Kông vài ngày trước, trong đó yêu cầu Liên Hiệp Quốc công nhận hòn đảo này là một quốc gia riêng biệt vào năm 2047.
Trước khi kỳ họp thường niên năm 2016 của quốc hội Trung Quốc khóa 12 bế mạc hôm 16-3, ông Kiều nói với báo giới về sự tự trị của Hồng Kông: “Sao có thể như thế?”.
Bài viết trên Tạp chí Undergrad có đoạn: “Mặc dù Hồng Kông chưa có điều kiện để độc lập nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của chúng tôi lúc này, thay vào đó là câu hỏi Hồng Kông có nên độc lập hay không”.
Bài viết còn cho rằng Hồng Kông cần có một chính quyền dân chủ được thành lập sau năm 2047 và một hiến pháp riêng. Hơn nữa, tác giả bài viết cũng lên án chính quyền đặc khu chỉ là “con rối” và hô hào bảo vệ tốt hơn “di sản” của Hồng Kông.
Sau khi được Anh trả về cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông áp dụng chính sách “một nước, hai chế độ” trong vòng 50 năm. Theo đài BBC, sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2014 (Cách mạng dù), số người đòi quyền tự trị nhiều hơn cho đặc khu ngày càng tăng, hình thành phong trào “Người bản địa”.
Hồi tháng 2, bạo loạn bùng phát ở khu Mongkok (Vượng Giác) khi chính quyền dẹp những người bán đồ ăn vỉa hè không có giấy phép, vốn được phong trào “Người bản địa” ủng hộ. Sau vụ việc, một số người biểu tình và thủ lĩnh phong trào đó bị buộc tội bạo động. Ông Michael Davis, giáo sư luật của Trường ĐH Hồng Kông, cho rằng “độc lập” trở thành đề tài gây tranh cãi kể từ khi các nhà chức trách không đáp ứng được đòi hỏi có thêm sự tự trị.
Bình luận (0)