xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

IS đang nghèo đi

Hoàng Phương

Trong nỗ lực “cân bằng ngân sách”, IS gần đây đã cắt giảm lương của chiến binh, đồng thời tăng cường đánh thuế

Danh hiệu nhóm khủng bố giàu nhất thế giới về tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là điều không phải bàn cãi.

Theo đài CNN, tổ chức cực đoan này đã mua bom và trả lương cho các thành viên bằng hàng tỉ USD kiếm được từ các mỏ dầu, mỏ khoáng sản, ngân hàng và việc đánh thuế người dân tại những vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Syria và Iraq (ước tính 6-9 triệu người). Trong năm 2014, ước tính IS đã kiếm được đến 2 tỉ USD.

Giỏi kiếm tiền

Thông qua việc phỏng vấn một loạt học giả quân sự, nhà điều tra tài chính, cũng như tìm hiểu nhiều báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ, Liên Hiệp Quốc, chính phủ Anh và một số viện nghiên cứu..., đài CNN phần nào phác họa được chân dung một tổ chức khủng bố hùng mạnh có khả năng tự kiếm tiền và biết cách tiêu tiền, thay vì chỉ dựa vào các nhà tài trợ giàu có ở vùng Vịnh như “đàn anh” Al-Qaeda.

Cụ thể, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, mỗi phần tử chiến đấu cho IS có thể nhận 400-1.200 USD/tháng, cộng với khoản trợ cấp 50 USD cho mỗi bà vợ và 25 USD cho mỗi đứa con. Trong khi đó, một nhóm nhà nghiên cứu Liên Hiệp Quốc cho biết các kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao có thể được IS trả tới 1.500 USD/tháng.

Tiền bạc có thể là một trong những yếu tố thu hút các tay súng nước ngoài đến Iraq và Syria để gia nhập IS. Theo báo cáo công bố hôm 7-12 của Công ty Tư vấn chiến lược quốc tế The Soufan Group (TSG), số tay súng nước ngoài đầu quân cho IS hiện dao động ở mức 27.000-36.000 người (đến từ ít nhất 86 quốc gia), tăng hơn gấp đôi so với tháng 6-2014 - thời điểm IS tuyên bố lập cái gọi là đế chế Hồi giáo. Theo TSG, rõ ràng nỗ lực ngăn chặn làn sóng tay súng nước ngoài nêu trên của cộng đồng quốc tế vẫn chưa hiệu quả.


Nhà máy lọc dầu Gbiebe Modular do IS kiểm soát ở Syria

trước và sau khi bị liên quân do Mỹ đứng đầu không kích hồi cuối tháng 9-2014 Ảnh: Không quân Mỹ

Nhà máy lọc dầu Gbiebe Modular do IS kiểm soát ở Syria

trước và sau khi bị liên quân do Mỹ đứng đầu không kích hồi cuối tháng 9-2014 Ảnh: Không quân Mỹ

 

Để đáp ứng chi tiêu, IS đã tích cực kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau. Theo báo cáo mới của Công ty Nghiên cứu IHS (Mỹ) hôm 7-12, khoản thu nhập 80 triệu USD/tháng của IS đến từ ít nhất 6 nguồn cơ bản: đánh thuế tất cả hoạt động kinh doanh tại những nơi chúng chiếm đóng; khai thác, buôn lậu dầu khí; chiếm đoạt đất đai và tịch thu tài sản; buôn lậu đồ cổ, thuốc phiện; các hoạt động phạm pháp (bắt cóc, cướp ngân hàng); tự kinh doanh (lập công ty vận tải, bất động sản...).

Đáng chú ý, tiền thuế đang là nguồn thu nhập hàng đầu của IS (chiếm đến 50%), chứ không phải hoạt động buôn bán dầu trái phép  (43%).

Theo ông Ludovico Carlino, chuyên viên phân tích cao cấp của IHS, IS “đánh thuế 20% mọi dịch vụ” - từ bán lẻ, nông nghiệp đến mạng internet và điện thoại di động, điện hoặc những ngành công nghiệp khác. Một số nghiên cứu khác cho biết năm 2014, IS thu thuế được ít nhất 360 triệu USD và con số này được dự báo có thể tăng lên đến 800 triệu USD trong năm nay.

Hết  “ăn sung mặc sướng”?

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho biết nguồn thu từ dầu mỏ của IS trong năm 2014 lên đến 500 triệu USD. Song, con số này giờ đã sụt giảm đáng kể sau khi lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu không kích các mục tiêu IS ở Syria từ tháng 9-2014, làm gián đoạn nghiêm trọng khả năng vận chuyển và lọc dầu của IS.

Các chuyên gia IHS cũng tin rằng chiến dịch không kích trên đã gây thiệt hại đáng kể cho hoạt động buôn lậu dầu của IS. Không những thế, theo báo The Washington Post, hai nguồn thu “truyền thống” (từ thuế và dầu) có thể bị đe dọa sau khi IS để mất một phần lãnh thổ đáng kể về tay những lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria và Iraq.

Ngoài ra, IS còn bị giáng một đòn mạnh do chính phủ Iraq vào mùa hè qua ngưng trả lương cho công chức sống tại những khu vực mà chúng chiếm giữ, trong đó có TP Mosul. Trước đó, IS thu về hàng chục triệu USD mỗi tháng từ việc đánh thuế thu nhập những người này.

Trong nỗ lực “cân bằng ngân sách”, theo IHS, IS gần đây cắt giảm lương của chiến binh, đồng thời tăng cường đánh thuế. IS cũng có ý định giành quyền kiểm soát hoàn toàn hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy ở Afghanistan, hiện mang lại cho tổ chức này 1 tỉ USD/năm.

Bên cạnh đó, các nhà hoạt động Syria cho biết những chương trình hỗ trợ người nghèo tại lãnh địa của IS dường như đã bị thu hẹp, khiến đói nghèo gia tăng. Theo họ, những địa phương này đang thiếu thốn thuốc men, còn mất điện ngày một nghiêm trọng. Dù vậy, không nhiều người cho là người dân dám bất mãn vì sự tàn bạo của IS đã quá khét tiếng.

Khả năng kiếm tiền phần nào cho thấy IS không chỉ là một nhóm khủng bố khát máu hoặc nông cạn. Điều này được nêu bật trong một tài liệu dài 24 trang về tham vọng lập đế chế Hồi giáo của IS, được báo The Guardian (Anh) thu thập và công bố hôm 7-12.

Tài liệu này được soạn thảo từ tháng 7 đến tháng 10-2014, chứa đựng những kế hoạch chi tiết về việc thành lập một nhà nước hoàn chỉnh, với các cơ quan chính phủ và một hệ thống kinh tế, cùng những chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quản lý tài nguyên thiên nhiên, thậm chí là đối ngoại. Những vấn đề quân sự, như cách thức huấn luyện chiến binh và trang bị cho họ vũ khí mới nhất, cũng được đề cập.

Ông Stanley McChrystal, người từng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq giai đoạn 2006-2008, cho rằng phương Tây có nguy cơ đánh giá thấp IS nếu chỉ xem chúng là một băng nhóm tập hợp những kẻ giết người tâm thần. Nhà nghiên cứu Charlie Winter, Trường ĐH bang Georgia, cũng cảnh báo IS là “một tổ chức chính trị có tính toán sâu sắc với một cơ sở hạ tầng được hoạch định tốt và cực kỳ phức tạp đằng sau”.

Nhận xét về tài liệu nêu trên với báo The Guardian, tướng Graeme Lamb - từng đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Anh - cho rằng dường như chỉ có một liên minh được dẫn dắt bởi giới lãnh đạo Hồi giáo Sunni, với sự trợ lực của các bộ tộc khắp khu vực, các nước phương Tây và các thành phần tôn giáo khác ở Trung Đông, mới có thể đập tan IS.

 

Thủ lĩnh IS bí mật sang Libya?

Theo thông tin trên trang web chính thức của nhóm vũ trang Hồi giáo Libya Dawn, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tới TP Sirte - Libya, quê nhà của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi.  Libya Dawn cho biết Baghdadi tới Libya là để giám sát một cuộc tấn công nhằm vào mỏ dầu Misrata gần Sirte. Đây là một trong những mỏ dầu có trữ lượng lớn nhất châu Phi.

Tuy nhiên, trang Almasdar News cho rằng thông tin trên chưa được kiểm chứng. Libya Dawn là một liên minh Hồi giáo đang kiểm soát thủ đô Tripoli - Libya nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận là một chính phủ hợp pháp.

Trong khi đó, Reuters dẫn xác nhận hôm 7-12 từ Lầu Năm Góc cho biết thủ lĩnh cấp cao IS Abu Nabil đã bị tiêu diệt tại TP Darnah - Libya hồi tháng trước, trong đợt không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết: “Cái chết của Nabil sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của IS đối với hoạt động khủng bố ở Libya, trong đó có việc chiêu mộ phiến quân mới, thiết lập căn cứ và lên kế hoạch tấn công Mỹ từ Libya”.

Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng xác nhận Abdirahman Sandhere, biệt danh “Ukash” và là một thủ lĩnh cấp cao của al-Shabaab (nhóm có quan hệ với al-Qaeda), đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích mà quân đội Mỹ tiến hành ở Somalia hôm 2-12.

Huệ Bình

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo