Trước thực trạng đó, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch bổ sung thiết bị chống UAV và binh sĩ tới Syria.
Không giống như ở TP Mosul – Iraq, nơi lực lượng Mỹ được trang bị một loạt hệ thống ngăn chặn UAV tiên tiến, quân đội Mỹ đang hoạt động tại TP Raqqa – Syria bị hạn chế về khả năng chống lại loại máy bay nhỏ khó bị phát hiện này.
Ở TP Mosul, sư đoàn không quân 82 của thủy quân lục chiến Mỹ đã tăng cường các biện pháp chống UAV kể từ tháng 3. Họ thường dùng thiết bị chống phương tiện bay không người lái (AUDS), ngoài ưu điểm chống UAV hiệu quả thì nó cũng làm ảnh hưởng tới sóng radio và các thiết bị thông tin liên lạc khác.
IS và các nhóm Hồi giáo cực đoạn sử dụng UAV mang loại đạn kích thước 40 mm để thả xuống vị trí của kẻ địch với độ chính xác tương đối cao. Tại thành trì Raqqa, IS tấn công mục tiêu là lực lượng đặc nhiệm Mỹ cùng với người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Một UAV được cho là của Mỹ bay qua khu vực Đông Nam Syria. Ảnh: REUTERS
Gần đây, quân đội Mỹ phải di dời vị trí chiến đấu sau khi nhận được cảnh báo về một chiếc UAV lạ mặt. Tuy nhiên, theo một tay súng SDF, không có thương vong được ghi nhận trong các vụ việc liên quan đến UAV của IS.
Người này cũng tiết lộ IS thường chờ SDF triển khai máy bay không người lái, sau đó mới huy động UAV cài chất nổ của mình để đối phương lầm tưởng đó là máy bay họ vừa triển khai.
Kế hoạch bổ sung thiết bị chống UAV và binh sĩ tới Syria của Lầu Năm Góc diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải đối phó với mối đe dọa từ trên không tại khu vực miền Nam Syria. Tuần trước, một chiếc UAV Shahed-129 của Iran - kích thước gần bằng một chiếc Predator của Mỹ - bị cáo buộc tấn công lực lượng đặc nhiệm Washington gần cửa khẩu Al-Tanf nhưng không có thương vong. Chiếc UAV sau đó bị không lực Mỹ bắn hạ.
Cũng tại khu vực miền Nam Syria này, Mỹ đang mở rộng sự hiện diện quân sự trong các vùng sa mạc tại đây.
Người phát ngôn nhóm phiến quân Maghawir al-Thawra do Washington hậu thuẫn nói với hãng tin Reuters rằng lực lượng Mỹ đã thiết lập căn cứ thứ hai ở khu vực Zakf ngoài căn cứ ban đầu tại Al-Tanf.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại sa mạc ở Đông Nam Syria. Ảnh: REUTERS
Các nguồn tin tình báo khu vực cho biết Mỹ vừa chuyển hệ thống rốc-két pháo binh di động tầm cao (HIMARS) từ Jordan tới Al-Tanf. Hệ thống này có khả năng phóng tên lửa bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300 km, lần đầu tiên được triển khai tại miền Nam Syria.
Trước đây, Mỹ dùng HIMARS để tấn công phiến quân từ các căn cứ đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Chỉ huy quân nổi dậy Syria Muzahem Saloum nhận định căn cứ ở Zakf sẽ bọc lót cho căn cứ Mỹ tại Al-Tanf, dự kiến sẽ là "phòng tuyến đầu tiên" chống lại bất cứ cuộc tấn công nào của phe ủng hộ chính phủ Syria được Iran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, phát ngôn viên liên quân Mỹ tại Iraq và Syria, Đại tá Ryan Dillon, phủ nhận nước này đang thiết lập một căn cứ quân sự mới.
"Chúng tôi có căn cứ tạm thời ở Al-Tanf, cũng là địa điểm để chúng tôi đào tạo lực lượng đối tác đánh bại IS. Nhưng đó là căn cứ duy nhất ở miền Nam Syria" – Đại tá Dillon nói.
Bình luận (0)