Có ý kiến cho rằng sự kiện lật đổ chế độ độc tài Muammar Gaddafi ở Libya năm 2011 của Mỹ và các đồng minh đã trực tiếp giúp các nhóm cực đoan khát máu trỗi dậy. Trong đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) muốn hợp nhất khu vực Bắc Phi thành một vương quốc Hồi giáo xuyên quốc gia.
Một Syria mới
Theo Tổ chức Tư vấn Kalam, có trụ sở ở Tripoli, tình trạng hoảng loạn về quân sự và chính trị tiếp diễn ở Libya đã tạo ra môi trường lý tưởng cho các nhóm cực đoan như IS bành trướng khắp nước này. Kalam cho rằng mối đe dọa của IS đã hiển hiện từ tháng 7-2014, được minh chứng bằng một loạt vụ việc như chặt đầu, bắt cóc con tin và những đoàn xe treo cờ đen diễu hành khắp các thành phố, tương tự những gì chúng đang làm hiện nay.
TS Theodore Karasik, nhà phân tích địa chính trị ở Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhận định IS đang làm công việc trám vào lỗ hổng của tình hình không thể kiểm soát ở Libya sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ. Theo ông, IS mở mặt trận thứ hai ở Libya và tìm cách nhận chìm mọi nước ở Bắc Phi.
Vài giờ sau khi phiến quân IS ở Libya chặt đầu 21 người Ai Cập theo đạo Cơ đốc hôm 16-2, GS Joshua Landis, một chuyên gia Syria, xác nhận Libya có thể trở thành một Syria mới và chính vụ lật đổ Gaddafi là nguyên do của sự “biến đổi” này. “Sự triệt hạ nhà nước Libya đã mở toang cửa cho các nhóm cực đoan tự do lộng hành. Những người theo chủ nghĩa tự do thì quá yếu, không thể thực hiện cuộc cách mạng và thống nhất đất nước” - ông Landis nhìn nhận.
Thực ra, vào năm 2011, theo báo The Huffington Post, đã có ý kiến cảnh báo rằng sự ủng hộ phong trào kháng chiến chống Gaddafi có thể dọn đường cho một vương quốc Hồi giáo do Al-Qaeda đứng đầu. Điều đáng nói hơn là Mỹ biết rất rõ những chiến binh Libya tự do được các thành viên Al-Qaeda cầm đầu.
Tháng 3-2011, CIA đã cung cấp “dịch vụ tư vấn” cho các lực lượng chống chế độ Gaddafi. Khi ấy, thủ lĩnh các lực lượng này là Abdel-Hakim al-Hasidi, cựu chỉ huy của Al-Qaeda và tù nhân tại Guantanamo, từng thừa nhận thuộc hạ của y đã chiến đấu với lính Mỹ ở cả Afghanistan lẫn Iraq. Đó là chưa kể đến thông tin trên báo chí xác định al-Hasidi đã thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo ở Đông Libya.
Cuộc chiến giành thế thống trị
Ông Bernardino Leon, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Libya, khẳng định phiến quân IS đã hoạt động ở nước này song khó có thể chỉ ra chính xác thời điểm chúng xâm nhập. Tháng 12-2014, quân đội Mỹ xác nhận có chứng cứ cho thấy phiến quân IS đang thành lập các trại huấn luyện ở miền Đông Libya.
Trong khi đó, các bản tin nước ngoài tường thuật rằng người địa phương và các cựu thành viên lữ đoàn Al-Battar - đơn vị IS hoạt động ở Syria - đã thành lập chi nhánh IS tại Libya. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết chính xác con số trại tuyển mộ và huấn luyện này.
Trong khi còn quá nhiều điều chưa rõ về sự hiện diện của IS, nhiều người Libya thắc mắc liệu nhóm cực đoan này có thực sự chịu trách nhiệm đối với những vụ tấn công mà chúng đã công nhận hay không. Các chuyên gia khủng bố nhấn mạnh phiến quân IS không có thói quen nhận trách nhiệm về những vụ tấn công hoặc hành động hung bạo mà chúng không trực tiếp can dự.
Từ cuối tháng 12-2014, IS đã nhận trách nhiệm về một số vụ đánh bom nhắm vào các sứ quán và tòa nhà cơ quan an ninh địa phương ở Tripoli cũng như một số vụ khác tại Libya, kể cả vụ tấn công táo tợn khách sạn Corinthia sang trọng ở Tripoli hôm 27-1 làm chết 9 người. Gần đây nhất, ngày 5-4, theo Tân Hoa Xã và Reuters, trên các trang web xã hội chính thức, một số nhánh của IS tại Libya đã tuyên bố thực hiện vụ đánh bom liều chết ở TP Misrata, miền Tây Bắc Libya, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.
Do có nhiều nhóm vũ trang hoạt động ở Libya, dư luận vẫn không rõ sức mạnh thực sự của IS đến mức nào. Theo đài BBC, nếu IS có kế hoạch chiếm giữ các phần lãnh thổ Libya như ở Syria và Iraq, chúng có thể đạt được một số thành tích nhất định. Trong khi nhà nước Libya còn yếu kém, không thể đối đầu và giải giáp quá nhiều phần tử nổi dậy thì IS đã có thể nắm quyền kiểm soát 2 TP Derna và Sirte, trong đó Derna được xem là căn cứ của IS ở Libya, cũng như thực hiện một số vụ đánh bom tự sát khắp nước này.
Ngoài ra, IS bị nghi ngờ nhúng tay vào các vụ tấn công những cơ sở dầu mỏ ở Libya đầu tháng 3 vừa qua, làm chết 8 lính gác và bắt cóc 9 công nhân nước ngoài. Vụ việc đó có thể khiến ngành công nghiệp dầu mỏ Libya bị thiệt hại kéo dài, ảnh hưởng đến các thị trường dầu và làm thay đổi cuộc chiến giành thế thống trị ở nước này.
Tuy nhiên, IS can dự vào khu vực dầu mỏ không phải nhằm chiếm giữ mà là phá hủy các giếng dầu để tiêu hủy lợi nhuận - theo trợ lý GS Geoff Porter, Học viện Quân sự West Point ở New York - Mỹ. Chưa đủ lực chiếm cứ và sử dụng các cơ sở dầu mỏ ở Libya, IS phá hủy chúng để ngăn các đối thủ thu lợi. Các giới chức phương Tây và Libya còn cho rằng IS đang mong kiếm được những khoản tiền mới bằng cách bắt cóc công nhân mỏ và đòi tiền chuộc.
Sứ mệnh chưa hoàn thành
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một liên minh quốc tế chống lại IS ở Libya sau khi máy bay chiến đấu của Ai Cập đánh trúng 3 mục tiêu IS tại đây hồi tháng 2-2015. Ông el-Sisi nhận xét liên minh lật đổ nhà độc tài Gaddafi đã bỏ rơi người dân Libya, trong khi tù nhân nước này trở thành những phần tử nổi dậy quá khích. Theo ông, đó là một sứ mệnh chưa hoàn thành.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Pháp Europe 1 sau đó, Tổng thống Ai Cập lặp lại lời kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế giống như liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq và yêu cầu liên minh này cần phải được Liên Hiệp Quốc thông qua. “Không có sự chọn lựa nào khác” - ông el-Sisi khẳng định. Theo báo Đức Deutsche Welle, ông el-Sisi quan ngại về hoạt động khủng bố ở quốc gia láng giềng sau khi 21 người Ai Cập bị bắt cóc và chặt đầu tại Libya.
Kỳ tới: Nỗi sợ lan tràn Afghanistan
Bình luận (0)