Mới nhất, IS nhận trách nhiệm vụ 4 kẻ liều chết đánh bom vào 2 đền thờ Hồi giáo Badr và al-Hashoosh ở thủ đô Sanaa của Yemen, khiến ít nhất 137 người thiệt mạng hôm 20-3.
Tấn công đẫm máu
Các bác sĩ cho biết khoảng 300 người bị thương và giáo sĩ Hồi giáo Al-Murtada bin Zayd al-Mahatwari của đền Badr nằm trong số nạn nhân thiệt mạng. Một người may mắn sống sót rùng mình nhớ lại: “Máu lênh láng như sông”. Theo thông điệp công bố trên mạng xã hội Twitter, IS thề thốt sẽ tiếp tục tấn công.
Tức thì, Nhà Trắng “mạnh mẽ lên án”, đồng thời cho biết không có bằng chứng cho thấy chi nhánh của IS tại Yemen thực hiện các vụ tấn công này. Hai ngày trước đó, IS cũng nhận trách nhiệm vụ xả súng làm chết 23 người tại một bảo tàng ở thủ đô Tunis của Tunisia và đe dọa sẽ còn tiếp tục. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Dường như mục đích nhận trách nhiệm của IS chỉ để tuyên truyền”.
Nhiều người bị thương sau vụ tấn công đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Sanaa - Yemen hôm 20-3
Ảnh: REUTERS
Cũng tại Yemen, trang Sputnik News (Nga) đưa tin 25 binh sĩ bị các phần tử khủng bố cực đoan bắt và hành hình ở TP al-Houta, tỉnh Lahij.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ngày 20-3 xảy ra vụ đánh bom kép liều chết nhằm vào cộng đồng người Kurd tại tỉnh al-Hasakah, miền Bắc Syria, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng. Theo SOHR, các nạn nhân đang tham dự Nowruz, lễ hội mừng năm mới truyền thống của người Ba Tư xưa. Ngoài ra, SOHR thông báo hơn 70 binh lính của quân đội Syria thiệt mạng khi IS tấn công các đồn kiểm soát và căn cứ tại 2 tỉnh Homs và Hama.
Tràn vào châu Âu
Dù không tin IS mở rộng tấn công ra Yemen và Tunisia song Washington rất lo ngại trước sự hiện diện cũng như ảnh hưởng ngày một tăng của IS tại Libya. Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng các thủ lĩnh IS đang đi khắp Libya để chiêu mộ người, đặc biệt là ở các TP Derna và Sirte. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính khoảng 1.000-3.000 tay súng IS đang hoạt động ở Libya.
Với vị trí đắc địa, Libya trở thành bàn đạp cho những phần tử cực đoan khắp Bắc Phi muốn đầu quân cho IS. Trang tin Washington Free Beacon từng dẫn đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng sự tan rã của chính quyền trung ương ở Libya đã tạo chỗ đứng cho IS.
Nghiêm trọng hơn, Tư lệnh quân đội Libya Khalifar Hifter hôm 20-3 cảnh báo châu Âu sẽ phải đối diện với nguy cơ khủng bố từ IS thời gian tới. Theo viên tướng này, các phần tử thánh chiến “sẽ trà trộn vào những người nhập cư trái phép đến châu Âu, khiến nơi đây tràn lan nạn tham nhũng và phá hoại như ở Libya”. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Ý cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công trên lãnh thổ sau vụ khủng bố ở Tunisia.
Trong khi đó, theo trang Want China Times (Đài Loan), những người giúp việc Indonesia ở Hồng Kông đang bị dụ dỗ gia nhập IS để đi “thực hiện sứ mệnh” ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Một công ty môi giới việc làm cho hay nhiều người giúp việc Indonesia báo tin đã được phát tờ rơi kêu gọi gia nhập IS trong một sự kiện hồi giữa tháng 3.
Hồi tháng 7-2014, thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi đăng tải đoạn video chi tiết về kế hoạch bành trướng của tổ chức và tuyên bố y sẽ trả thù những kẻ cướp mất quyền lợi của người Hồi giáo ở 20 nước trên thế giới, Trung Quốc là nơi đầu tiên.
Tiêu tiền như nước
Bản phân tích của Trung tâm Chống khủng bố tại Học viện Quân sự West Point (USMA, Mỹ) cho thấy nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới nhưng số tiền mà IS trang trải mỗi ngày cực kỳ lớn.
Tháng 6-2014, IS đột kích vào các ngân hàng tại TP Mosul - Iraq, nẫng đi số tiền ước tính hơn 400 triệu USD. Ngoài ra, nhóm này còn có doanh thu hàng triệu USD từ việc bán dầu mỏ, tiền chuộc con tin, buôn lậu cổ vật và cướp bóc. Tuy nhiên, Chủ tịch USMA, ông Michael Sheehan, khẳng định IS có khả năng bị khủng hoảng tiền mặt do chi phí duy trì cuộc chiến tại Iraq và Syria cũng như tham vọng xây dựng vương quốc Hồi giáo là rất lớn.
Theo một quan chức chống khủng bố của Mỹ, IS đang áp dụng triệt để phương án sử dụng chiến binh thánh chiến ngay tại các quốc gia mục tiêu như Pháp và Tunisia để giảm thiểu chi phí. Tình báo Mỹ tiết lộ IS có khoảng 20.000-31.000 tay súng, kéo theo khoản “tiền lương” khổng lồ mỗi năm, chưa kể trợ cấp cho gia đình những kẻ thiệt mạng. Nhưng bù lại, nguồn tiền bất hợp pháp chảy vào đều đặn mỗi ngày và tài trợ từ một số nhân vật giàu có ở Ả Rập giúp IS vẫn trụ vững.
Tài chính dồi dào khiến IS mạnh miệng chiêu dụ thành viên. Nhiều gia đình tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới, đang được IS hứa hẹn cung cấp nhà cửa, công việc và 2.200 USD để gia nhập tổ chức, theo báo The Straits Times (Singapore). Cuối tháng 1-2015, 16 người Indonesia - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ vì nghe theo lời hứa IS, tìm cách nhập cảnh trái phép vào Syria.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)