Các lực lượng Iraq hôm 20-8 tiến hành cuộc tấn công nhằm giành lại TP Tal Afar từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khi quân chính phủ Syria - cùng với phong trào Hezbollah - đã giải phóng 87 km2 lãnh thổ trên biên giới giáp với Lebanon.
Nguy cơ khủng bố tăng
Tal Afar là một trong số những phần lãnh thổ ở Iraq và Syria hiện vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Thế nhưng, theo hãng tin AP, vương quốc của IS đã thực sự sụp đổ hồi tháng 7, khi các lực lượng Iraq được Mỹ hậu thuẫn đã hoàn toàn giành lại Mosul, thủ phủ của IS tại Iraq, sau 9 tháng thực hiện chiến dịch.
Tuy nhiên, theo trang Daily Record (Anh), các chính khách và chuyên gia cảnh báo rằng IS sẽ thực hiện các vụ tấn công trên khắp thế giới, trong đó có châu Âu, sau khi liên tiếp thất thủ ở Raqqa - Syria và Mosul - Iraq. "IS thất thủ ở Raqqa không có nghĩa là ý thức hệ của chúng chấm dứt. Thua trận có thể là động cơ khiến chúng nguy hiểm hơn" - chuyên gia về khủng bố người Anh Kevin Toolis nhận định.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân tại địa điểm xảy ra vụ khủng bố ở Barcelona Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace thừa nhận mối đe dọa khủng bố ở Anh đang gia tăng trong khi IS liên tiếp mất lãnh thổ ở Syria và Iraq. Còn chuyên gia Yannick Veilleux-Lepage, Trường ĐH St Andrews, nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố sẽ không bị xóa bỏ khi IS sụp đổ và hệ tư tưởng của IS vẫn sẽ tồn tại sau khi bị đánh bại. Ông cũng lên tiếng cảnh báo các phần tử quá khích có thể áp dụng chiến thuật đã được sử dụng trong vụ tấn công ở Barcelona - Tây Ban Nha vừa qua, làm chết 13 người và bị thương hơn 130 người: lao xe tải vào đám đông.
Thời gian gần đây, tổ chức cực đoan này đã liên tiếp thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu. Ngoài vụ khủng bố ở TP Barcelona, IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công bằng dao ở TP Surgut thuộc khu vực Siberia làm bị thương 8 người hôm 19-8. Trước đó, IS cũng đã nhận trách nhiệm vụ đâm xe tải vào dòng người đi bộ trên cầu London Bridge ở thủ đô nước Anh ngày 3-6, làm chết 8 người và bị thương ít nhất 48 người…
"Điểm nóng" Morocco
Trong khi đang diễn ra cuộc truy lùng ráo riết các thành viên thuộc nhóm khủng bố do 1 công dân Morocco đứng đầu được coi là thủ phạm vụ tấn công ở Tây Ban Nha, giới tình báo còn lo ngại làn sóng phần tử thánh chiến trở về khắp khu vực eo biển Gibraltar - nối Đại Tây Dương và Địa Trung Hải - sẽ là mối đe dọa to lớn đối với châu Âu.
Theo báo The Guardian (Anh), có đến 1.000 phần tử thánh chiến từ các chiến trường thuộc vương quốc đang sụp đổ của IS quay trở lại Morocco và Tunisia. Khoảng 300 tên đã trở về Morocco, 6 tên trong số đó nằm trong số 12 kẻ khủng bố đã thực hiện vụ tấn công ở Tây Ban Nha.
Vào thời điểm "cực thịnh" của IS, 1.600 công dân Morocco được cho là đã đến Iraq và Syria. Tuy nhiên, một nửa con số này đã bị tiêu diệt. Thế nhưng, khu vực Bắc Phi lúc này được xem là vùng đệm cho các vụ tấn công trên đất châu Âu để trả thù cho thiệt hại về người và lãnh thổ của IS.
Trong khi đó, công dân Tunisia chiếm số đông nhất trong tổ chức này với 1.800 tay súng. Một số lớn đã là những cảm tử đánh bom tự sát trong vụ tấn công Kobani - Syria cuối năm 2014 và nỗ lực cố thủ Mosul mùa hè năm nay.
Khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo vào giữa năm 2014, các thành viên IS người Morocco đã bắt đầu liên lạc với gia đình để tìm đường trở về. Hàng trăm tên được cho là đã trở về qua ngả biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, 30 tên trong số đó bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.
Giới chức ở thủ đô Rabat - Morocco cho biết ước tính 90 phần tử thánh chiến đã bị cầm tù sau khi trở về từ Iraq và Syria. Tuy nhiên, hàng chục tên được cho là đã xâm nhập các làng mạc và thành thị. Ngoài ra, nhà chức trách Morocco thừa nhận đã ngăn chặn được một số vụ tấn công khủng bố quy mô lớn ở Casablanca và Rabat nhưng cho biết họ không có đủ phương tiện để ngăn chặn hoạt động ở nước ngoài của các công dân nước này.
Từ lâu nay, Morocco đã được xem là một mối lo ngại do sự gần gũi về địa lý với Tây Ban Nha cũng như do số dân đông đảo sống ở nước ngoài.
Bình luận (0)