Cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh trở nên nghiêm trọng hơn khi một đội ngũ khoảng 50-70 tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng người Azerbaijan đã rời khỏi Raqqa - Syria, băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để trở về tham gia chiến đấu. Website LifeNews (Nga) trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết như trên.
Giao tranh vẫn tiếp diễn sau khi Azerbaijan tuyên bố ngừng bắn hôm 3-4. Theo hãng tin Tass, Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm 5-4 tố cáo Armenia vi phạm chế độ ngừng bắn 120 lần trong mấy ngày đêm qua và sử dụng nhiều loại vũ khí hạng nặng bắn phá các vị trí dọc theo biên giới 2 nước. Bộ này cũng thông báo 16 binh sĩ Azerbaijan tử trận trong 2 ngày qua, còn phía Armenia thiệt hại 70 binh sĩ và 20 đơn vị kỹ thuật quân sự.
Theo đài BBC, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov đe dọa tấn công quy mô lớn vào Stepanakert, thủ phủ Nagorno - Karabakh, nếu phe ly khai ở đây (được sự hậu thuẫn của Armenia) không ngừng bắn vào các khu dân cư Azerbaijan.
Trước đó, Armenia cáo buộc quân đội Azerbaijan sử dụng hệ thống tên lửa đa nòng hạng nặng Smerch tại Nagorno -Karabakh vào đêm 4-4. Gặp gỡ đại sứ các nước thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cùng ngày, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cảnh báo nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh toàn diện và cáo buộc Azerbaijan gây căng thẳng.
“Không chỉ khu vực Nam Caucasus mà cả an ninh và sự ổn định của châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng” - ông Sargsyan nhấn mạnh, đồng thời nói nếu giao tranh lan rộng, Armenia sẽ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nagorno - Karabakh. Ngoài ra, Tổng thống Armenia còn tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ kích động chiến tranh khi công khai ủng hộ chính sách hiếu chiến của Azerbaijan.
Theo website EurActiv, ông George Friedman, nhà dự báo về địa chính trị và là Chủ tịch Công ty Phân tích toàn cầu Geopolitical Futures, quả quyết rằng không nên đánh giá thấp cuộc giao tranh ở Nagorno - Karabakh bởi Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều có thể bị lôi vào cuộc. Nagorno - Karabakh nằm trong lãnh thổ Azerbaijan song do cộng đồng người Armenia kiểm soát kể từ cuộc chiến vào cuối thời Liên Xô. Khi lệnh ngừng bắn năm 1994 được thực thi, đã có khoảng 30.000 người thiệt mạng vì xung đột. Nằm kẹp giữa biển Caspi và biển Đen, tại Nagorno - Karabakh (thuộc Nam Caucasus) chồng chéo các đường ống dẫn dầu và khí đốt của nhiều nhà sản xuất lớn nên nơi này có tầm quan trọng chiến lược.
Chính vì vậy, báo Vzglyad bình luận: Nga sẽ không cho phép một cuộc chiến tranh mới nào xảy ra ở đây. Hiện có binh lính, máy bay đồn trú ở miền Nam Armenia. Nga được xem là nhà hòa giải then chốt nhưng để giải quyết cuộc xung đột hiện nay lại là bài toán hóc búa đối với Điện Kremlin. Nếu ủng hộ Armenia, Nga sẽ gián tiếp đẩy Azerbaijan về phía Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn nếu đứng ngoài, tầm ảnh hưởng của Nga đối với Armenia sẽ bị suy yếu và các thế lực thân phương Tây ở nước này thừa cơ mạnh lên.
Bình luận (0)