Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 3-4 đã quyết định đơn phương ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh - khu vực tranh chấp nằm trên biên giới Azerbaijan và Armenia thuộc vùng Caucasus - nhưng cảnh báo sẽ nối lại hoạt động quân sự nếu bị Armenia tấn công. Tuy nhiên, quân đội Armenia cho biết giao tranh ác liệt vẫn còn tiếp diễn.
30 binh sĩ thiệt mạng
Trước đó, giao tranh đã diễn ra trong 2 đêm 1 và 2-4 giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia ở Nagorny-Karabakh, làm ít nhất 30 binh sĩ của 2 bên tử vong. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói họ bị mất 12 binh sĩ, 1 trực thăng và 1 xe tăng, trong khi Armenia cho biết có 18 binh sĩ thiệt mạng và 35 người bị thương.
Đài BBC hôm 3-4 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan và đại diện Nagorny-Karabakh (được Armenia hậu thuẫn) nhấn mạnh tình hình dọc theo chiến tuyến vẫn còn căng thẳng. Cả Azerbaijan và Armenia đều đổ lỗi cho nhau đã nổ súng tấn công trước, dẫn đến cuộc đụng độ vũ trang tồi tệ nhất kể từ sau lệnh ngừng bắn năm 1994 giữa 2 nước này. Binh sĩ 2 bên sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, súng cối và pháo binh, còn dân chúng được sơ tán khỏi các ngôi làng gần khu vực xung đột trong khi một số ẩn núp dưới hầm.
Phía Armenia tố cáo quân đội Azerbaijan đã mở cuộc tấn công ồ ạt ở biên giới Nagorny-Karabakh, huy động xe tăng, đại pháo và trực thăng. Thế nhưng, phía Azerbaijan bác bỏ thông tin này và khẳng định chỉ đáp trả một cuộc tấn công từ phía Armenia. Họ cũng khẳng định binh sĩ Armenia dùng súng cối và đại pháo bắn vào vị trí đóng quân của các lực lượng vũ trang Azerbaijan dọc theo biên giới. Phía Nagorny-Karabakh cũng tố cáo Azerbaijan bắn rốc két và đại pháo.
Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bắt đầu nổ ra từ tháng 2-1988 khi khu vực tự trị Nagorny-Karabakh tuyên bố rời khỏi Azerbaijan, rồi leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện năm 1991 lúc Liên Xô sụp đổ, làm chết khoảng 30.000 người trước khi ngừng bắn năm 1994. Theo hãng tin Newsru, Azerbaijan đã mất quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh, trong khi khu vực tự trị này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Armenia.
Nga lo ngại
Cả Armenia lẫn Azerbaijan đều tiêu thụ vũ khí của Nga. Azerbaijan đã mua của Nga số vũ khí trị giá ít nhất 4 tỉ USD, còn Armenia là đối tác chiến lược quan trọng của Nga ở Caucasus.
Cùng với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ nỗi quan ngại trước việc Azerbaijan và Armenia giao tranh, đồng thời kêu gọi 2 bên mau chóng ngừng bắn và kiềm chế. Theo hãng tin RIA Novosti, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu của Nga đã hội đàm với những người đồng cấp Armenia, Azerbaijan liên quan đến tình hình ở Nagorny-Karabakh.
Theo hãng tin TASS, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (hạ viện) Nga, ông Sergei Zheleznyak, ngày 2-4 cho rằng có “thế lực thứ ba” đứng đằng sau những diễn biến ở khu vực Nagorny-Karabakh. “Rõ ràng, thế lực đó tiếp tục thổi ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Caucasus. Thế lực ấy không hài lòng với sự thành công trong quá trình gìn giữ hòa bình, chống khủng bố của Nga và các đồng minh ở Syria nên đã gia tăng sự tức giận trong cuộc xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh” - ông Zheleznyak nhận định.
Trong khi đó, dư luận lo ngại cuộc đụng độ Armenia - Azerbaijan có thể dẫn đến cuộc xung đột vũ trang quy mô rộng lớn hơn. Lãnh đạo 2 nước này lâu nay vẫn đổ lỗi cho nhau không nỗ lực đủ để đạt được hòa bình. Ông Polad Bulbuloglu, Đại sứ Azerbaijan tại Nga, hôm 2-4 cảnh báo họ đã sẵn sàng chuyển từ giải pháp ngoại giao sang quân sự ở khu vực Nagorny-Karabakh.
“Những nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho tranh chấp ở khu vực này đã kéo dài 22 năm. Liệu nó sẽ diễn ra thêm bao lâu nữa? Chúng tôi đã sẵn sàng cho một giải pháp hòa bình nhưng nếu vấn đề không được giải quyết một cách hòa bình, chúng tôi sẽ dùng đến giải pháp quân sự” - ông Bulbuloglu cảnh báo.
Nỗi lo trên càng có cơ sở sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 3-4 tuyên bố ông ủng hộ Azerbaijan đến cùng trong cuộc đối đầu với Armenia. Ông Erdogan cho rằng sự làm việc thiếu hiệu quả của nhóm Minsk OSCE, chịu trách nhiệm giải quyết vụ tranh chấp Nagorny-Karabakh, đã khiến giao tranh nổ ra.
Bình luận (0)