Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 27-11 cho biết lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài sẽ kéo dài 14 ngày và đang chờ chính phủ phê duyệt, dự kiến có hiệu lực từ đêm 28-11.
Theo Reuters, công dân Israel nhập cảnh sẽ phải cách ly, dù đã tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan an ninh nội địa Israel (Shin Bet) cho biết sẽ sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại để phát hiện người nhiễm biến thể Omicron và ngăn virus lây lan.
Giới chức Israel hy vọng sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 đối với biến thể Omicron trong giai đoạn này. Bộ trưởng Nội vụ Israel Ayelet Shaked nói với kênh N12: "Chúng tôi đặt giả thuyết rằng biến thể này đã xuất hiện ở gần như mọi quốc gia, vắc-xin vẫn có hiệu quả nhưng chưa rõ mức độ như thế nào".
Người đàn ông tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 thứ ba tại Jerusalem. Ảnh: Reuters
Cho đến nay, Israel ghi nhận một ca nhiễm biến thể Omicron và 7 ca nghi nhiễm. Bộ Y tế nước này không cho biết người nhiễm đã tiêm chủng hay chưa, trong khi một nửa ca nghi nhiễm đã được tiêm vắc-xin và 3 người không ra nước ngoài trong thời gian gần đây.
Israel, Anh hành động chớp nhoáng trước biến thể Omicron
Tại Anh, nước này đã công bố nhiều biện pháp mới nhằm hạn chế tốc độ lây lan của biến thể Omicron. Lãnh đạo y tế hàng đầu của nước này thừa nhận "có khả năng" các loại vắc-xin sẽ kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người dân trước biến thể này.
Tấm biển ghi dòng chữ "Hãy giữ an toàn" trên đường Regent ở London. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo tất cả những cá nhân đến từ nước khác sẽ buộc phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Những người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 10 ngày bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào.
Yêu cầu về đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng sẽ được thắt chặt. Ông Boris cũng nhấn mạnh đây là thời điểm để xúc tiến việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3.
Anh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.
Biến thể Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi, sau đó xuất hiện tại đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Israel, Botswana, Bỉ, Ý, Đức, Anh, Hà Lan dẫn đến làn sóng hạn chế đi lại. Mặc dù vậy, các nhà dịch tễ học cho biết việc hạn chế đi lại để ngăn chặn Omicron lây lan toàn cầu có thể đã quá muộn.
Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở London. Ảnh: AP
Bình luận (0)