Bà Maria Van Kerkhove, một quan chức WHO, cho hay trong cuộc họp báo tại Geneva-Thụy Sĩ hôm 20-3 rằng một số loại vắc-xin đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng với thời gian kỷ lục chỉ với 60 ngày sau khi giải trình tự bộ gien.
"Sự tăng tốc của quá trình này thực sự rất ấn tượng trên phương diện những gì chúng ta có thể làm, chúng được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu đối với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) và nay được sử dụng với Covid-19".
Tuy nhiên, các quan chức WHO cảnh báo vẫn còn một thời gian rất dài nữa trước khi các loại vắc-xin này có thể đưa vào sử dụng rộng rãi.
Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO, cho hay trong cuộc họp báo tại Geneva-Thụy Sĩ hôm 20-3. Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học hàng đầu cho biết các thử nghiệm lâm sàng và tiến trình cấp phép an toàn cho sử dụng trên thị trường một loại vắc-xin khả dụng có thể mất đến 18 tháng.
Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng các thử nghiệm là rất cần thiết khi cho rằng một vắc-xin kém còn nguy hiểm hơn một virus tồi tệ.
Ông Ryan nhấn mạnh: "Chúng ta phải rất, rất, rất cẩn thận trong việc phát triển bất kỳ sản phẩm nào có thể sẽ tiêm cho gần như tất cả dân số thế giới".
Đợt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với loại vắc-xin Covid-19 đã bắt đầu tuần này ở Mỹ và đó là tiến độ nhanh chưa từng có tiền lệ. Theo ông Ryan, tiến trình thử nghiệm vắc-xin trên cơ thể người sẽ không thể diễn ra sớm nếu Trung Quốc và một số quốc gia khác không chia sẻ trình tự gien của Covid-19 với phần còn lại của thế giới.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Moderna để điều chế một loại vắc-xin dựa trên trình tự gien của SARS-CoV-2.
Cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra hôm 16-3 ở Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở TP Seattle, bang Washington - Mỹ. Trong giai đoạn đầu, thử nghiệm vắc-xin được tiến hành trên 45 người trong độ tuổi 18-55, theo thông tin trên trang web của NIH.
Cùng ngày, WHO nhận định thông tin Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh, không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày thứ 3 liên tiếp mang lại hy vọng cho phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
WHO cũng cho biết hiện tại họ sử dụng thuật ngữ "giữ khoảng cách vật lý", thay vì "giữ khoảng cách xã hội" nhằm mô tả sự cần thiết phải duy trì khoảng cách nhất định giữa mọi người để tránh lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
WHO cho rằng sự thay đổi này nhằm nhấn mạnh dù mọi người có thể cần phải cô lập về thể chất nhưng họ không nhất thiết phải cô lập xã hội. Điều quan trọng là phải duy trì sức khỏe tinh thần tốt trong cuộc khủng hoảng.
Bà Kerkhove cho hay: "Chúng ta có thể giữ sự kết nối theo nhiều cách mà không cần ở cùng một không gian. Chúng tôi muốn mọi người vẫn duy trì sự kết nối với nhau".
Bình luận (0)