Đài CNN ngày 4-12 đưa tin những người đi biển phát hiện con cá buồm dài khoảng 1,2 m hồi cuối tháng trước.
Mặc dù không phải hiếm nhưng đây là con cá buồm đầu tiên được tìm thấy ở bãi biển TP San Diego kể từ năm 1996, đồng thời là con cá buồm thứ 17 được tìm thấy trong khu vực từ năm 1947.
Con cá buồm kể trên - tên danh mục là SIO 21-37 - là sự bổ sung mới nhất cho bộ sưu tập động vật có xương sống của SIO. Người quản lý Ben Frable nói với đài CNN rằng con cá được phát hiện tại La Jolla Shores, vẫn còn sống nhưng sau đó chết khi lên đất liền và bị những con chim mòng biển nhắm mục tiêu.
Con cá buồm dài khoảng 1,2 m. Ảnh: CNN
Theo ông Frable, con cá buồm có thể dạt vào bãi biển vì một số lý do như chạy trốn kẻ săn mồi hoặc bị dòng nước đẩy vào và không thể thoát ra biển.
Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết cá buồm sở hữu đôi mắt khổng lồ, hàm nhô ra ngoài và cơ thể trơn tuột. Nó là động vật lưỡng tính, có cả 2 cơ quan sinh sản và là loài ăn thịt có tiếng. Thức ăn của chúng bao gồm cá và các loài động vật không xương sống khác. Cá buồm có thể phát triển tới hơn 2 m.
"Kẻ ăn thịt" dạt vào bờ biển Mỹ
Ông Frable cho hay cá buồm không dễ quan sát ở tầng nước sâu mặc dù chúng có mặt trong tất cả đại dương của thế giới. SIO lấy các mẫu mô của cá buồm để xác định thông tin di truyền và các dữ liệu khác.
"Từ góc độ nghiên cứu, cá buồm mở ra cánh cửa vào thế giới thức ăn dưới đại dương" - ông Frable nói.
Cách đây 1 tuần, một con cá bóng đá Thái Bình Dương siêu hiếm được phát hiện dạt vào bờ biển Black's Beach, bang California - Mỹ.
Bình luận (0)