Theo truyền thông Trung Quốc ngày 9-8, động thái này là nỗ lực lớn nhất của Bắc Kinh từ trước đến giờ nhằm giải cứu những công ty mắc nợ, cũng như giúp giảm tỉ lệ tổng nợ trong những ngành công nghiệp nêu trên.
Bắc Kinh không cung cấp số liệu về tình hình nợ nần của doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), nợ doanh nghiệp đạt mức tương đương 166% GDP Trung Quốc vào cuối năm 2016, so với mức 100% GDP năm 2008.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và công ty tư nhân Trung Quốc mắc nợ tổng cộng 15.700 tỉ USD vào năm ngoái, cao gấp đôi con số trung bình của các nền kinh tế khác.
Tính chung, tổng số nợ ở Trung Quốc đã tăng lên mức 257% GDP vào cuối năm 2016, so với mức 244,9% một năm trước đó.
Một nhà máy sản xuất sắt thép tại TP Hàng Châu, Trung Quốc Ảnh: Reuters
Theo tờ South China Morning Post, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nêu ý tưởng chuyển nợ ngân hàng thành vốn cổ phần tại kỳ họp quốc hội hồi tháng 3-2016 nhưng đây không phải là ý tưởng mới.
Biện pháp này từng được sử dụng vào những năm 1990 để làm sạch sổ sách của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.
Điểm khác biệt lần này là quá trình chuyển nợ thành vốn cổ phần diễn ra dựa trên những nguyên tắc của thị trường. Điều đó cho phép các ngân hàng, định chế tài chính có nhiều tiếng nói hơn trong việc chọn "con nợ" để tiến hành hoán đổi, cũng như ấn định điều khoản tài chính của bước đi. Làm thế sẽ giúp hạn chế nỗ lực giải cứu dành cho những "công ty thây ma", bị xem là không còn hoạt động hiệu quả và khó thoát cảnh phá sản.
Bắc Kinh đang muốn giảm bớt nợ của những SOE đang gặp khó nhằm bảo vệ hệ thống tài chính khỏi nguy cơ vỡ nợ giữa lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Trong động thái trấn an dư luận, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 9-8 khẳng định đã đạt được thành quả ban đầu liên quan đến nỗ lực giảm bớt nợ tại các doanh nghiệp và nguy cơ từ những khoản nợ đã được kiểm soát.
Bình luận (0)