Phiên tòa đồng tình với tố cáo của Breivik, rằng hắn bị đối xử "một cách hèn hạ và vô nhân đạo" trong tù. Sau bản án, luật sư của Breivik – ông Oystein Storrvik – đã đề nghị bãi bỏ tình trạng biệt giam đối với tên sát thủ này.
Lý giải cho phán quyết của mình, thẩm phán Helen Andenaes Sekulic tuyên bố quyền không bị đối xử vô nhân đạo đại diện cho “giá trị cơ bản trong xã hội dân chủ” và được áp dụng cho cả “kẻ khủng bố và giết người”.
Breivik đã khởi kiện chính phủ vì bị biệt giam. Hắn bị nhốt 1 mình từ 22-23 giờ mỗi ngày, không được giao tiếp với các tù nhân khác và chỉ được nói chuyện với quản giáo thông qua một tấm kính dày.
Kẻ thảm sát Na Uy Anders Behring Breivik. Ảnh: EPA
Theo thẩm phán Sekulic, việc thi hành án tù của Breivik quá khác biệt với bất kì tù nhân nào ở Na Uy.
Ngoài ra, bà lưu ý Breivik còn bị đánh thức nửa giờ một lần trong đêm suốt 1 thời gian dài. Thỉnh thoảng, hắn bị buộc cởi bỏ quần áo với sự có mặt của một nữ nhân viên, khiến hắn cảm thấy đặc biệt khó chịu.
Hãng truyền hình quốc gia NRK dẫn lời thẩm phán cho biết: “Nếu kết hợp với những hạn chế nghiêm ngặt khác mà hắn ta phải chịu, đây được xem là sự đối xử hạ thấp giá trị con người”.
Dù vậy, thẩm phán phán quyết việc hạn chế liên lạc của Breivik là phù hợp. Tòa cũng yêu cầu chính phủ Na Uy chi trả án phí cho Breivik với số tiền 330.000 kroner (khoảng 40.000 USD).
Chưởng lý Marius Emberland nói chính phủ rất ngạc nhiên trước bản án song chưa quyết định có kháng cáo hay không. Nếu như không có bên nào kháng cáo trong vòng 4 tuần, nhà tù buộc phải thay đổi chế độ đối xử với Breivik để phù hợp với phán quyết của thẩm phán, đài truyền hình NRK đưa tin.
Một phòng giam điển hình ở Na Uy. Ảnh: REUTERS
Vào tháng 7-2011, Breivik xả súng vào một trại hè thanh niên trên đảo Utoeya, khiến 69 người thiệt mạng. Trước đó cùng ngày, hắn đặt bom xe tại thủ đô Oslo, làm chết 8 người. Hắn bị tuyên án 21 năm tù giam vào năm 2012.
Eskil Pedersen – một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ xả súng trên đảo Utoeya – nói mình cảm thấy “ngạc nhiên và giận dữ” bởi phán quyết của tòa án.
Một người sống sót khác - Bjorn Ihler – lại cho rằng phán quyết có lợi cho Breivik chứng minh rằng Na Uy có “hệ thống pháp lý tôn trọng nhân quyền kể cả khi tù nhân phạm tội nghiêm trọng”.
Bình luận (0)