Nhiều cô gái trẻ đứng sau cửa kính của các nhà thổ cố giấu khuôn mặt khi bị du khách nhìn trừng trừng và không ngừng giơ điện thoại thông minh lên. Với nhiều người trong số họ, đây là một cuộc sống bí mật. Những tấm ảnh kia có thể được đăng lên mạng xã hội, dẫn đến việc bí mật bị phơi bày và các cô gái bị gia đình chối bỏ.
Phóng viên của đài BBC theo cô Kristina đi dọc một hành lang ngắn, với điểm đến là một căn phòng nhỏ, sơn màu trắng và ấm áp. "Tôi không thích bán thân nhưng buộc phải làm thế" – Kristina mở đầu câu chuyện về 10 năm bám trụ ở phố đèn đỏ Amsterdam, sau khi theo chân một người bạn Hungary đến đây. "Tôi phải kiếm tiền lo tương lai của 2 đứa con. Chúng đang ở với mẹ tôi ở Hungary. Bọn trẻ không biết tôi làm gì ở đây".
Phố đèn đỏ ở Amsterdam chật kín người, trong đó có nhiều du khách. Ảnh: Frits Rouvoet
Trong khi đó, Frits Rouvoet – chủ một cửa hàng sách trong phố đèn đỏ - kể mình hay mời những phụ nữ này ghé vào uống cà phê. Theo ông, đó là thời khắc để họ tạm quên đi những bạo hành và hăm dọa mà họ hay gặp phải trên đường phố.
"Họ chẳng có nơi nào để đi. Họ phải đứng sau cửa sổ chào mời nếu muốn kiếm sống. Nhưng nhiều người đàn ông xô tới, hoặc say xỉn hoặc la hét ồn ào trong lúc cố chụp ảnh" – ông Rouvoet giải thích.
Bà Femke Halsema, nữ thị trưởng đầu tiên của Amsterdam, dự tính đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp các cô gái bán dâm thoát khỏi ánh đèn máy ảnh. Mại dâm được chính phủ Hà Lan hợp pháp hóa vào năm 2000. Đến năm 2009, Bộ Tư pháp nước này thông báo một công tố viên đặc biệt sẽ có quyền đóng cửa các nhà thổ có dính líu tới tội phạm có tổ chức (như bạo lực, buôn bán ma túy, rửa tiền...).
Trong số giải pháp của bà Halsema, có ý tưởng cho phép phụ nữ "ăn sương" mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi khu đèn đỏ. Nhưng nhiều người cho rằng làm thế sẽ đẩy họ vào thế giới ngầm. "Amsterdam vốn đã mang tiếng là thủ đô của mại dâm. Nếu làm theo hướng đó, mại dâm sẽ gia tăng ở nhà riêng, trong khách sạn" - bà Karin Werkman, người hỗ trợ các nạn nhân bị buôn người, nêu ý kiến.
Một số giải pháp khác của nữ Thị trưởng Halsema mà tăng số lượng cảnh sát, tiền phạt du khách vi phạm và chuyển hướng du khách một khi khu đèn đỏ quá đông đúc. Trong khi đó, thanh tra của Amsterdam là ông Arre Zuurmond muốn giới hạn tuổi người đến đây.
"Con số mờ ám"
Đến nay, theo BBC, dường như vẫn không ai rõ có bao nhiêu phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp sex ở Amsterdam. "Một số nhà nghiên cứu nói là 4.000, số khác bảo 8.000. Một vài ý kiến nói 10% trong số họ bị mua bán, lại có người cho rằng tới 90%" – ông Frits Rouvoet nói về "con số mờ ám" kể trên.
Trước đây từng có nhiều nỗ lực "dọn dẹp" De Wallen – tên gọi của khu đèn đỏ ở Amsterdam. Chính quyền thành phố còn định mua lại các nhà thổ để lấy chỗ cho giới doanh nghiệp khởi nghiệp và nghệ sĩ thuê với giá rẻ.
Hiện tại, trên nhiều cửa kính ở đây đã treo bảng "Te Huur" (cho thuê), còn ngành công nghiệp tình dục chuyển lên hoạt động trên mạng. Nếu phố đèn đỏ bị mô tả là "rừng rậm về đêm" thì trên mạng lại càng vô luật pháp hơn nữa.
Bình luận (0)