Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không hết gây ngạc nhiên kể từ khi nhậm chức cách đây gần 1 tháng. Cuộc họp báo mới nhất của ông tại Nhà Trắng hôm 16-2 sẽ còn được nhắc đến nhiều vì những lời lẽ công kích chưa từng có tiền lệ nhằm vào giới truyền thông, bên cạnh những phát biểu bị xem là không đúng sự thật.
Truyền thông phản pháo
Các phóng viên tập trung để nghe ông Trump thông báo lựa chọn mới cho vị trí bộ trưởng lao động sau khi ứng viên trước đó rút lui. Tuy nhiên, họ không ngờ mình phải lắng nghe những chỉ trích từ nhà lãnh đạo Mỹ rằng “mức độ không trung thực” của giới truyền thông Mỹ đã “vượt tầm kiểm soát”. “Giới truyền thông đang tìm cách tấn công chính quyền bởi họ biết chúng ta đang thực thiện những cam kết đã đưa ra và họ không vui về điều này” - ông Trump nhận định.
Tổng thống Mỹ cũng phủ nhận các phụ tá của mình đã tiếp xúc với Nga trước cuộc bầu cử năm ngoái, đồng thời cho rằng chính “thủ đoạn” của giới truyền thông thù địch đã thổi bùng tranh cãi hiện nay. Ông Trump cũng sử dụng buổi họp báo dài 77 phút để bảo vệ “màn trình diễn” của chính quyền ông ở 4 tuần đầu tiên trong lúc không quên nhắc lại chủ đề ưa thích là “chiến thắng ấn tượng” trong cuộc bầu cử vừa qua.
Không chịu thua, giới truyền thông Mỹ đã phản pháo bằng cách chỉ ra khoảng cách giữa những gì ông Trump nói và sự thật. Một trong những phát biểu bị soi nhiều nhất là lời phàn nàn “thừa hưởng một mớ hỗn độn” từ chính quyền tiền nhiệm.
Theo kiểm chứng của hãng tin AP, những gì cựu Tổng thống Barack Obama thừa hưởng về mặt kinh tế khi lên nắm quyền năm 2009 tồi tệ hơn nhiều (tỉ lệ thất nghiệp cao, thị trường chứng khoán và ngành công nghiệp ô tô suy sụp, hàng triệu người có nguy cơ bị tịch biên nhà…). Đài CNBC cũng cho rằng “gia tài” ông Obama để lại cho ông Trump không tệ như lời chê bai, nếu không muốn nói là ngược lại: Nền kinh tế liên tục tăng trưởng, thị trường việc làm dồi dào, thu nhập người dân gia tăng…
Một phàn nàn khác của ông Trump - tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bành trướng như “ung thư” - cũng gây nhiều ngạc nhiên. AP nhắc lại rằng IS đã bắt đầu mất lãnh thổ ở Syria, Iraq và Libya trước khi ông Trump nhậm chức, một phần nhờ chiến dịch quân sự được tiến hành trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ ông Obama.
Chiến lược của ông Trump
Tình hình thực tế cũng góp phần khiến không ít phát biểu của ông Trump trở nên kém thuyết phục. Chẳng hạn, chỉ vài giờ sau khi mạnh miệng bác bỏ nhận định Nhà Trắng đang hỗn loạn và khoe chính quyền vận hành như một “cỗ máy tinh chỉnh”, ông Trump lại đối mặt khó khăn trong khâu nhân sự khi Đô đốc về hưu Robert Harward nói không với lời mời ngồi vào chiếc ghế cố vấn an ninh quốc gia mà ông Michael Flynn vừa đánh mất.
Bộ máy của ông Trump còn chịu thêm tổn thất sau khi 10 thành viên Ủy ban Tư vấn về người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương của tổng thống (AAPI) - tương đương 2/3 thành viên - đệ đơn từ chức. Lá thư đề ngày 15-2 nói rõ họ phản đối ông Trump mô tả người nhập cư, người tị nạn, người da màu và người của nhiều tôn giáo là “không đáng tin, đe dọa và làm kiệt quệ đất nước”. Động thái này một lần nữa cho thấy sự phản đối đang lan rộng đối với lập trường chống người nhập cư, thể hiện qua sắc lệnh hành pháp gần đây, của ông Trump. Sau khi sắc lệnh này bị đình chỉ thực thi, tổng thống Mỹ nói tại cuộc họp báo rằng ông sẽ ban hành sắc lệnh nhập cư mới vào tuần tới.
CNN bình luận đằng sau cuộc họp báo hiếm thấy tại Nhà Trắng là một chiến lược rõ ràng của ông Trump: Chuyển hướng sự chú ý khỏi một tuần lễ tồi tệ, khơi lại sự ủng hộ của những người từng bỏ phiếu bầu mình và đập tan những thắc mắc, tranh cãi về mối quan hệ bị cáo buộc giữa ông và Nga. Không mấy ấn tượng với chiến lược này, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 17-2 đánh giá ông Trump đang lãng phí thời gian trong việc công kích những gì truyền thông viết về mình. “Một chính trị gia lỗi lạc, ông Winston Churchchill (cựu thủ tướng Anh), từng nói chính trị gia phàn nàn về báo chí không khác gì thủy thủ phàn nàn về biển cả” - ông Turnbull nói với các phóng viên tại New Zealand.
AP cũng nhắc ông Trump về một hiện thực khó khăn mà ông nên dành thời gian xử lý: Chính quyền mới của Mỹ đang rơi vào trạng thái gần như tê liệt trong những ngày đầu tiên, khiến nhiều thành viên Đảng Cộng hòa lo ngại về điều mà Thượng nghị sĩ John Thune gọi là “sự gián đoạn liên tục”. Với họ, “cỗ máy tinh chỉnh” mà ông Trump nói đến đang đối mặt nguy cơ “sút bánh xe”.
Bình luận (0)