Sau nhiều năm cô lập, ông Kim giờ đây đã là một nhân vật có tiếng nói. Trong năm nay, các lãnh đạo từ Trung Quốc, Nga, Syria, Hàn Quốc và Mỹ đều đã gặp hoặc chuẩn bị gặp người đứng đầu Triều Tiên. Điều đặc biệt là họ đều phải "xếp hàng". Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ lời mời ông Kim đến Vladivostock vào tháng 9 trong khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bày tỏ nguyện vọng muốn đến thăm Bình Nhưỡng.
"Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của "nhà chính trị quốc tế Kim Jong-un". Đây là sự ra mắt khác biệt hoàn toàn so với năm 2010, khi ông Kim vừa lên kế nhiệm cha với gương mặt ngây ngô. Giờ đây, với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nắm trong tay, ông ta đang bước ra thế giới với vị thế nhà lãnh đạo một đất nước tự khẳng định mình sở hữu sức mạnh hạt nhân ngang bằng với các cường quốc hạt nhân khác, trong đó có Mỹ" - ông Jean Lee, cựu nhân viên báo chí của hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, nhận định.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Dĩ nhiên, đây chính là phần thưởng mà ông Kim đã theo đuổi khi đẩy mạnh chương trình thử nghiệm tên lửa vào năm 2017. "Rất có thể ông Kim đã kết luận rằng cách duy nhất để đảm bảo thành công trên mặt trận ngoại giao là để căng thẳng leo thang sau đó hạ nhiệt. Triều Tiên buộc phải tiến tới bàn đàm phán bằng sức mạnh" - ông Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên, viết trong một bài luận gần đây.
Tuy nhiên, có lẽ ông Kim cũng không ngờ rằng phần thưởng mình đạt được là hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ. Điều này đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên đến con đường ngoại giao mà ông luôn hy vọng, đồng thời cho ông cơ hội nói rằng Triều Tiên hoan nghênh các hoạt động kinh doanh.
"Ông Kim đã giữ khoảng cách với thế giới bên ngoài lâu đến nỗi giới chức nước ngoài có xu hướng gấp gáp tìm cơ hội gặp ông ta để hiểu rõ hơn về con người này và điều ông ta muốn làm cho đất nước" - ông Jean Lee nói thêm.
Có hai điều đã giúp ông Kim tiếp cận với con đường ngoại giao mới. Một là vị tổng thống tự do của Hàn Quốc, người đã tranh cử với lời hứa liên quan đến Triều Tiên. Điều này giúp ông Kim thành lập mối quan hệ với nước láng giềng.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều bày tỏ mong muốn gặp ông Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Thứ hai là lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các đời tổng thống Mỹ trước đây thường mong muốn có một điều kiện tiên quyết trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhưng ông Trump đã có quyết định khác. Vị tổng thống Mỹ khó đoán từng đe dọa Bình Nhưỡng suốt 1 năm bất ngờ đồng ý đối thoại trực tiếp một cách nhanh chóng.
Khoảnh khắc ông Kim bước ra chào ông Trump tại Singapore chắc chắn sẽ là một sự kiện lịch sử với thế giới khi chỉ trong vòng 6 tháng, người đứng đầu Triều Tiên đã từ một nhân vật bị cô lập hoàn toàn trở thành một trong 2 nhà lãnh đạo ở trung tâm một trong những sự kiện địa chính trị lớn nhất thế giới.
Có thể nói hội nghị thượng đỉnh đã trao cho ông Kim một đòn bẩy chính trị. Chiến thuật ngoại giao mới mẻ này không chỉ phát sinh từ sức mạnh mà còn từ sự cần thiết. Sau khi tuyên bố hoàn thành chương trình phát triển vũ khí, ông Kim thông báo ông muốn tập trung vào kinh tế. Để làm được điều này, nhà lãnh đạo Triều Tiên cần thành lập các liên minh và xây dựng lại những mối quan hệ cũ.
Ông Kim và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Điểm dừng chân đầu tiên dĩ nhiên phải là Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp ông Trump trong chiến thuật gây áp lực tối đa vào cuối năm 2017 khi cắt đứt các nguồn cung cấp quan trọng cho Bình Nhưỡng. Hiện nay, thời thế đã thay đổi khi ông Kim thực hiện 2 chuyến thăm Trung Quốc trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Sự kiện này gợi nhớ lại cuộc gặp lịch sử của ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở biên giới 2 nước hồi tháng 4. Họ giống như những người bạn cùng đi dạo và thảo luận về tương lai của 2 quốc gia. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra hết sức thân thiện, khác hẳn 2 người tiền nhiệm trước đây.
Một điều đáng lưu ý trong 2 chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim chính là thời gian. Cụ thể, mỗi chuyến thăm đều được thực hiện vài ngày trước khi ông Kim gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đây là một chiến thuật tinh vi có thể giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa Mỹ - Trung Quốc vào thế đối đầu khi Bắc Kinh ủng hộ cách tiếp cận chậm rãi với việc phi hạt nhân hóa và muốn lệnh trừng phạt được dỡ bỏ để giữ kinh tế Triều Tiên ổn định.
Ông Kim và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Ông Kim đã thay đổi các quy tắc của cuộc chơi khi biến kho vũ khí hạt nhân thành một công cụ ngoại giao. Nhưng mục đích cuối cùng của Triều Tiên là gì? Và điều gì sẽ xảy ra sau hội nghị thượng đỉnh?
"Tôi nghĩ điều thế giới cần làm là tập trung vào những tuyên bố của Triều Tiên. Đó không chỉ là tuyên truyền mà là một tính toán mới rất quan trọng" - cựu quan chức bộ ngoại giao Mỹ Joel Wit nhận định.
Tương tự, ông Kim đã sử dụng Moscow làm đòn bẩy vào tuần trước. Trong khi tướng Kim Yong-chol đến Mỹ trao thư cho Tổng thống Trump thì nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến Bình Nhưỡng.
Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của một quan chức cao cấp của Nga trong hơn 1 thập kỷ. Ông Trump không hề vui về động thái này và có lý do chính đáng để cảm thấy như vậy. Thứ nhất, Nga luôn tự xem mình là một người hòa giải thay thế trong bất kỳ cuộc thảo luận phi hạt nhân nào. Thứ hai, Nga có biên giới với Triều Tiên và nắm trong tay lợi ích kinh tế quan trọng.
Vì vậy, trong khi Washington nghĩ rằng Triều Tiên đang bị dồn vào thế bí thì ông Kim lại gửi đi một thông điệp khác và cho thấy nhiều lựa chọn của mình.
Ngoài ra, quan hệ giữa Tổng thống Assad và Bình Nhưỡng cũng là một trong những điều khiến Mỹ và Liên Hiệp Quốc lo ngại. Mới đây, truyền thông Triều Tiên đưa tin ông Assad đang có kế hoạch đến thăm Bình Nhưỡng. Syria vốn là một đồng minh lâu năm của Triều Tiên khi 2 nước thành lập quan hệ ngoại giao từ năm 1966. Vì vậy, từ bây giờ cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi liên minh đặc biệt này sít sao hơn nữa.
Bình luận (0)