Sự phấn khích dường như đang lấn át Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đưa ra tới 3 phát ngôn gây sửng sốt về Triều Tiên trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 7-6. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố chắc chắn không có vấn đề gì với việc tiếp ông Kim Jong-un tại Mỹ và thậm chí sẵn sàng làm điều đó ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên không muốn tới Washington. Đây rõ ràng là điều mà những người tiền nhiệm của ông Trump không làm với các nguyên thủ không được coi là đồng minh chủ chốt hay bạn bè hữu nghị của nước Mỹ.
Chưa hết, Tổng thống Trump còn nói ông muốn chứng kiến sự bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng - tức là hai nước cắt cử quan chức ngoại giao và bắt đầu phát triển quan hệ kinh tế. Nhiều nhà phân tích chỉ rõ suốt nhiều năm qua Triều Tiên chỉ mong có vậy, để chính quyền nước này có tiếng nói trong mắt thế giới.
Một trong những con đường để ông Trump cải thiện quan hệ là ký tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên khi gặp ông Kim tuần tới. Tối thiểu, ông có thể ký một hiệp định hòa bình với Triều Tiên - điều mà Bình Nhưỡng cũng mong muốn. Chưa rõ hai nhà lãnh đạo khó lường Mỹ - Triều có thể nhất trí những gì ở Singapore. Trong khi cuộc họp cân não được cho là có phần gấp gáp, ông Trump tự tin rằng mình không cần chuẩn bị quá nhiều cho sự kiện này.
Tổng thống Mỹ Donald và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp báo chung tại Nhà Trắng hôm 7-6 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, trong khi tổng thống Mỹ có vẻ đang "trao đi rất nhiều", phía ông Kim lại kín tiếng. Dù vậy, Bình Nhưỡng có vẻ đã âm thầm phá hủy bãi thử tên lửa quan trọng gần TP Kusong. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất được chuyên trang về Triều Tiên 38 North công bố hôm 7-6 đã phản ánh bước đi được cho là thiện chí của Triều Tiên.
Trong khi đó, hiện diện của Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà Trắng hôm 7-6, đánh dấu chuyến thăm Mỹ lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng của nhà lãnh đạo Nhật Bản, được cho là nằm trong cuộc đua phía trước thềm thượng đỉnh tại Singapore mà cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đều đang hăng hái.
Tổng thống Hàn Quốc đang vận động một cuộc gặp ba bên với Tổng thống Trump và ông Kim một ngày sau thượng đỉnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp lãnh đạo Triều Tiên tới 2 lần trong 3 tháng qua trong khi quan hệ hai bên ấm lên trông thấy. Trung Quốc thậm chí có thể cử chiến đấu cơ hộ tống khi máy bay chở ông đi qua không phận nước này đến Singapore, theo nguồn tin quân sự Hàn Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin chính thức mời ông Kim đến thăm Nga vào tháng 9.
Những nỗ lực ngoại giao này đang đẩy cao hy vọng rằng các nước lớn có thể bẻ lái một loạt vấn đề kỹ thuật, chính trị nguy hiểm và hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giữa những bất định sâu sắc, trong đó có sự ngờ vực về ý đồ của ông Kim cũng như sự chuẩn bị của ông Trump, các nhà phân tích cảnh báo sự kiện lịch sử này có thể sắp xếp lại các liên minh an ninh tại một trong những khu vực đông dân và kinh tế năng động nhất thế giới.
"Vấn đề là về tương lai của Đông Bắc Á chứ không chỉ Triều Tiên. Và ông Kim Jong-un đang là người cầm lái" - chuyên gia Sheila Smith thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) nhận định.
Bình luận (0)