Tuy nhiên, ông Putin khẳng định điều này không hàm ý mua bán hay đổi chác lãnh thổ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang Bloomberg, ông Putin nói với giọng điệu hòa giải: “Chúng tôi muốn tìm kiếm một giải pháp để không bên nào phải cảm thấy bị thua thiệt”.
“Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản là một vấn đề quan trọng và chúng tôi rất mong muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ với những người bạn Nhật Bản của chúng tôi” – ông Putin cho biết thêm.
Ông Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau bên lề Diễn đàn kinh tế phía Đông tại TP Vladivostok (Nga) hôm 2-9 để thảo luận hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng và công nghệ.
Nhật Bản hy vọng sự “quyến rũ” về mặt kinh tế sẽ củng cố quan hệ với Nga trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Thế nhưng, nhiều người không chắc cách tiếp cận này tạo ra đột phá trong những tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ.
Và thực tế đúng vậy! Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 2-9: "Thật khó mà đạt được đột phá sau cuộc gặp hôm nay. Đây là vấn đề phức tạp, cần thời gian thảo luận kéo dài và nhiều sự chuẩn bị hơn".
Tổng thống Vladimir Putin Ảnh: BLOOMBERG
Ngoài "thỏa hiệp" nêu trên với Nhật, Tổng thống Putin cũng mong muốn các nước sản xuất dầu chủ chốt thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Moscow đạt một thỏa thuận về đóng băng sản lượng. Ông Putin cũng hy vọng những tranh cãi về việc Iran tham gia thị trường dầu mỏ có thể được giải quyết.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Putin nói: “Từ góc nhìn kinh tế và logic, cần phải tìm ra cách thỏa hiệp nào đó. Chúng tôi tin rằng đây là quyết định đúng trong vấn đề năng lượng thế giới”.
Hồi tháng 4, các cuộc đàm phán về việc liệu Iran nên tham gia nỗ lực ổn định sản lượng dầu thất bại. Giờ đây, theo ông Putin, quốc gia vừa thoát khỏi quãng thời gian cô lập kinh tế này cần được phép tiếp tục nâng sản lượng.
Tổng thống Nga cho biết ông có thể bàn về vấn đề này khi gặp gỡ Phó Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới ở Trung Quốc. Tổng thống Nga đánh giá cao vai trò của ông Salman, xem ông này “là một đối tác rất đáng tin cậy để có thể đạt được thỏa thuận cũng như tôn trọng thỏa thuận".
Tính chung cả tháng 8, giá dầu tăng hơn 10%. OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài khối dự kiến nhóm họp ở Algeria vào ngày 27-9 tới, với hy vọng đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng để cứu giá dầu.
Là quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, khoảng 40% nguồn thu ngân sách của Nga phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Do đó, khi giá dầu giảm mạnh xuống mức dưới 50 USD/thùng và kéo dài, nền kinh tế Nga đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ qua.
Bình luận (0)