Bên dưới phần đáy giả của chiếc cốc là một sợi dây chuyền và nhẫn vàng khảm đá. Đây là một trong hơn 12.000 đồ vật mà Đức Quốc xã đánh cướp từ những tù nhân bị bắt đến trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.
“Khi đó người Đức liên tục nói dối người Do Thái bị trục xuất rằng họ sẽ được tái định cư, sinh sống và làm việc ở nơi khác. Trong thực tế, họ đều bị xử tử” – Tiến sĩ Piotr M.A Cywinski, giám đốc bảo tàng Auschwit – Birkenau khẳng định.
Tuy nhiên, Đức Quốc xã chỉ cho phép người Do Thái đem theo một ít đồ đạc. Đây là một bước đi có tính toán: để bắt đầu cuộc sống mới, rõ ràng họ sẽ gói ghém những thứ quý giá nhất.
Vì vậy khi các nạn nhân đến trại tập trung Auschwitz, quân Đức tự tin rằng họ có thể đánh cướp hành lý của tù nhân và tìm những thứ có giá trị. Đó là lý do khiến người Do Thái tìm cách giấu giếm tài sản.
Sợi dây chuyền được cuộn rất cẩn thận trong tấm vải trước khi bị giấu dưới phần đáy giả của cốc. Ảnh: Auschwitz Museum
Tiến sĩ Cywinski nói một mặt, đây là bằng chứng cho thấy các gia đình Do Thái biết rõ rằng hành lý của họ sẽ bị cướp bóc trong quá trình trục xuất. Mặt khác, đó cũng là một sự thật đau lòng khi có rất nhiều người khác không hề hay biết về số phận nghiệt ngã đang chờ đợi mình ở Auschwitz.
Tất cả nỗ lực giấu đi tài sản giá trị “cho thấy các gia đình Do Thái vẫn còn tia hy vọng nhỏ nhoi rằng những thứ này sẽ giúp họ sống sót” – tiến sỹ Cywinski nói thêm.
“Mặc dù đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi giải phóng trại tập trung và diệt chủng của Đức Quốc xã, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bất ngờ phát hiện ra những đồ vật bị các nạn nhân giấu đi” – một báo cáo của bảo tàng Auschwitz – Birkenau viết.
Đó là trường hợp xảy ra với chiếc cốc khi họ phát hiện ra phần đáy giả trong lúc kiểm tra. Lộ ra bên dưới là một sợi dây chuyền được cuộn tròn trong tấm vải cùng với một chiếc nhẫn khảm đá.
Chiếc nhẫn được làm bằng vàng 583, sản xuất ở Ba Lan những năm 1920. Ảnh: Auschwitz Museum
“Nó được giấu rất kỹ, tuy nhiên qua thời gian, các nguyên liệu hư hại dần khiến phần đáy thứ hai rời ra khỏi chiếc cốc” – bà Hanna Kubik, một nhân viên bảo tàng cho biết.
Bảo tàng khẳng định rằng trong khi mọi phát hiện đều được “ghi chép cẩn thận”, họ lại không thể nào tìm ra mối liên hệ giữa món đồ và chủ nhân của chúng do không thể xác định được các dấu tích riêng.
“Những món trang sức tìm thấy trong chiếc cốc được lưu trữ trong Bộ sưu tập của bảo tàng nhằm phản ánh cách che giấu của chủ nhân cũng như làm chứng cho số phận của những người Do Thái bị đưa đến trại tập trung và diệt chủng của Đức Quốc xã” – bảo tàng cho biết.
Trong trận thảm sát Holocaust hồi Thế chiến II, có hơn 1 triệu tù nhân, phần lớn là người Do Thái, bị hành hình ở trại Auschwitz.
Bình luận (0)