xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó có chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Hoàng Phương

Nga triển khai máy bay tiêm kích để yểm trợ hoạt động không kích khủng bố ở Syria

Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng sau khi xảy ra vụ máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24-11, dẫn đến cuộc khẩu chiến về chuyện ai đúng, ai sai.

Moscow trả đũa

Moscow cho đến giờ vẫn khẳng định không xâm phạm không phận Ankara, thậm chí tố ngược máy bay Thổ Nhĩ Kỳ lấn qua không phận Syria khi bắn máy bay Nga. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiếc Su-24 bị bắn hạ sau khi đi vào không phận mình trong 17 giây. Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng Washington tin máy bay Nga bị bắn khi ở trong không phận Syria sau khi xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian ngắn. Đánh giá này được dựa trên việc dò tìm dấu hiệu nhiệt độ của máy bay.

Vụ bắn hạ Su-24 khiến 1 trong 2 phi công trên đó thiệt mạng. Người còn lại được lực lượng Nga giải cứu và đưa về căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia hôm 25-11, theo Bộ Quốc phòng Nga.

 

Máy bay Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim gần Latakia ở Syria Ảnh: REUTERS
Máy bay Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim gần Latakia ở Syria Ảnh: REUTERS

Điều được dư luận quan tâm lúc này là Nga sẽ phản ứng mạnh đến đâu. Trước mắt, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã công khai những biện pháp trả đũa khả dĩ, như cân nhắc hủy một số dự án quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và cấm các công ty nước này đến làm ăn tại thị trường Nga.

Không dừng lại ở đó, Moscow còn công bố những bước đi đáp trả về mặt quân sự, bao gồm ngưng hợp tác quân sự với Ankara, triển khai máy bay tiêm kích để yểm trợ hoạt động không kích ở Syria, tăng cường sức mạnh phòng không bằng cách điều tàu khu trục tên lửa Moskva trấn giữ khu vực bờ biển gần Latakia, sớm đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đến bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim.

Bất chấp những động thái trên, bản thân “người trong cuộc” lại đang tìm cách xoa dịu tình hình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 25-11 tuyên bố nước này không muốn quan hệ giữa Ankara và Moscow gia tăng căng thẳng. Cùng ngày, Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói quan hệ “bạn hữu và láng giềng” với Nga sẽ “không bị hủy hoại bởi các sự cố về liên lạc”.

Về phía Nga, tuy Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 25-11 lên án vụ bắn rơi máy bay là “hành động khiêu khích có tính toán” và nói Moscow sẽ cân nhắc lại quan hệ với Ankara song ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không có ý định gây chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cam đoan sự cố sẽ không ảnh hưởng đến những nỗ lực của Moscow trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Không những thế, Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov nói Nga sẵn sàng hợp tác với Pháp, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng thành lập trung tâm chỉ huy chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Xuống thang căng thẳng

Lo ngại nỗ lực giải quyết tình hình Syria và cuộc chiến tiêu diệt IS bị ảnh hưởng, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đồng lòng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế. Ngay cả ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO, dù lên tiếng bênh thành viên Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của “giải pháp ngoại giao và sự xuống thang căng thẳng”.

Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk kêu gọi 2 nước trên “giữ cái đầu lạnh” thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng ủng hộ quyền bảo vệ chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn khẳng định cần có biện pháp để ngăn chặn bất kỳ nguy cơ leo thang nào.

Giới phân tích nhìn chung nhận định cuộc đối đầu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó dẫn đến chiến tranh, thậm chí là “Thế chiến thứ 3” như một số người lo ngại. Tờ The Guardian chỉ ra rằng trong phản ứng đầu tiên về vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin không đề cập bất kỳ bước đi quân sự tức thì nào, qua đó mở đường cho khả năng xuống thang căng thẳng.

Theo ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn chính trị Eurasia Group (Mỹ), Nga sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu có phản ứng chừng mực giữa lúc ông Putin còn phải bận tâm đến không ít mục tiêu địa chính trị quan trọng khác. “Ông Putin sẽ không muốn đối đầu thêm với NATO vì quan hệ giữa Nga với châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang có tiến triển, giúp giảm dần sự cô lập của phương Tây” - chuyên gia Bremmer nhận định.

Trong khi đó, ông Daniel W. Drezner, giáo sư về chính trị quốc tế tại Trường ĐH Tufts (Mỹ), nhận định Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang phụ thuộc nhau khá nhiều. Ngoài mối liên hệ đậm nét về lĩnh vực năng lượng, Moscow còn cần sử dụng eo biển hẹp Dardanelles ở miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, kết nối biển Aegea với biển Marmara.

Xét trên phương diện quân sự, Nga càng không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ bởi khi đó sẽ có sự can dự của NATO - khối quân sự có hiệp ước phải hỗ trợ bất cứ thành viên nào bị tấn công. Chưa hết, Moscow lúc này còn phải dành sự quan tâm cho cuộc chiến ở Syria và số phận của đồng minh là Tổng thống Bashar al-Assad.

Nói thế không có nghĩa là Moscow sẽ chịu bỏ qua mọi chuyện dễ dàng. Bên cạnh những hành động ít nhiều mang tính biểu tượng như cấm các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh trên sân bay Nga, áp đặt một số lệnh cấm vận kinh tế, tăng giá khí đốt…, Nga có thể “ăn miếng trả miếng” bằng cách bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, theo nhà phân tích Boris Zilberman thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ). Đi xa hơn, Nga còn có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd - cái gai lớn trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ - ở Iraq và Syria.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo