Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tấn thảm kịch Su-24 ở Syria sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Moscow - Ankara. Điều dễ hiểu là sự việc sẽ không dẫn đến hành động quân sự nhưng mối quan hệ kinh tế có thể bị tổn hại.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong 15 năm qua, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước đột phá đáng kinh ngạc. Hiện Nga là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch hai chiều tăng lên hơn 32,7 tỉ USD trong năm 2013. Theo hãng tin Bloomberg, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014, vượt cả Trung Quốc. Cùng năm này, người Nga chiếm khoảng 12% số du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ - chỉ sau Đức - và mang lại cho Ankara nguồn lợi nhuận du lịch khoảng 4 tỉ USD/năm.
Thế nhưng, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hôm 24-11 có thể biến tất cả thành con số 0. Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ nhận đòn trả đũa đầu tiên khi ngay tối 24-11, người dân Nga bắt đầu ồ ạt trả vé máy bay các tuyến đến Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt công ty du lịch ngừng bán tour đến nước này. Báo Vzglyad đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 2,77 tỉ USD nếu bị khách Nga tẩy chay nhưng ngược lại, báo KP nhận định ngành du lịch Nga cũng tổn thất hàng triệu USD do ngưng bán tour đến Thổ Nhĩ Kỳ trong 2-3 tháng.
Ngày 25-11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đe dọa Nga đang cân nhắc hủy bỏ nhiều dự án quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cấm các công ty nước này hoạt động trong thị trường Nga. Đứng trước nguy cơ đổ vỡ là dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỉ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ của Công ty Năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) và dự án quy hoạch tuyến đường thủy cho tàu bè Nga qua lại eo biển Bosphorus (còn gọi là eo biển Istanbul).
Có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ đối tác về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là năng lượng. Phụ thuộc vào khí đốt Nga đến 60% và dầu khí là 35% nên nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sụp đổ nếu thiếu nguồn cung từ Moscow. Nhưng mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến Nga lao đao, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga và Nga đang bị phương Tây cấm vận kinh tế. Công ty Gazprom đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ lượng khí đốt trị giá 10,2 tỉ USD trong năm 2014 và khoảng 7-7,5 tỉ USD trong năm 2015.
Nỗi lo giảm bớt
Ngoài ra, về lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng băng các tài sản của Nga ở nước này và từ đó dẫn đến xì-căng-đan quốc tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao và gây tổn hại cho ngân sách của 2 bên bởi mọi công ty Nga đều có liên quan đến cơ sở hạ tầng địa phương và chiếm tỉ trọng đáng kể trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mất thị trường Nga vốn đem lại cho họ 50 tỉ USD trong vòng 25 năm qua, theo báo Financial Times.
Đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ và thị trường chứng khoán nước này đã đồng loạt sụt giảm sau vụ bắn hạ chiếc Su-24. Theo Reuters, dù Tổng thống Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí nâng kim ngạch thương mại 2 nước từ khoảng 25 tỉ USD dự kiến đạt được trong năm nay lên 100 tỉ USD vào năm 2020 song cả 2 ông đều là những nhà lãnh đạo cứng rắn. “Lợi ích quốc gia thường được đưa lên hàng đầu song vẫn không thể khẳng định căng thẳng sẽ không leo thang” - công ty phân tích rủi ro Eurasia Group (Mỹ) đánh giá.
Dù vậy, tình hình trước mắt không đến nỗi quá tệ. Hãng Reuters đưa tin chứng khoán châu Âu tăng cao và giá dầu giảm nhẹ hôm 25-11 do nỗi lo của các nhà đầu tư về hậu quả vụ bắn rơi máy bay Nga đã giảm. Trước đó, theo báo The Age, giá dầu mỏ tăng mạnh. Trong phiên giao dịch trên thị trường Mỹ ngày 24-11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã có lúc tăng đến 4%. Cả giá dầu WTI và dầu Brent (trên thị trường London - Anh) đều đóng cửa ở mức cao nhất trong 2 tuần lễ qua.
Giá vàng thế giới tăng 1% trong ngày 25-11. “Chính sự việc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đẩy giá vàng tăng” - nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank (Đức) cho biết. Trong khi đó, USD tăng giá trở lại và đồng euro giảm nhẹ.
Cảnh báo nguy cơ mới
Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN), một nhóm vận động về chính sách ngoại giao và giải trừ hạt nhân, vừa công bố một báo cáo về nguy cơ đụng độ giữa máy bay Nga và NATO ngày càng tăng, không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở trên biển Baltic.
Từ khi xung đột Ukraine trở nên nóng bỏng, máy bay Nga xuất hiện trên biển Baltic ngày càng nhiều và đôi lúc đi vào không phận của các quốc gia thuộc NATO trong khu vực là Estonia, Latvia và Lithuania. Báo cáo này chủ trương thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin mới nhằm giảm bớt những hoạt động gây hiểu lầm. Giám đốc ELN, ông Ian Kearns, lo ngại: “Chúng ta sẽ gặp phải nhiều loại sự cố tương tự như giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và một trong số đó có thể biến thành xung đột một ngày nào đó”.
Báo Mỹ The Washington Post đánh giá việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hôm 24-11 là sự leo thang lớn trong cuộc xung đột tại Syria và có thể châm ngòi thêm nhiều căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Vụ việc càng khiến Mỹ và các đối tác thêm e ngại về một kịch bản đã được dự báo trước: Phát sinh va chạm giữa lực lượng không quân các nước đang chen chúc trên bầu trời Syria.
Trong khi đó, tờ The Telegraph dẫn nhận định của giáo sư Natasha Kuhrt, thuộc Trường ĐH Kings (Anh), cho rằng quan hệ giữa Nga và NATO lúc này đa phần phụ thuộc vào phản ứng của NATO. Bà Kuhrt dự đoán hai bên đều đang muốn “hạ hỏa”. Tương tự, báo The Independent (Anh) tin là NATO sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng, bất chấp việc vài tháng qua liên minh quân sự phương Tây lên án việc máy bay Nga xâm phạm không phận các nước thành viên NATO ở châu Âu. Phía Nga cũng tỏ thiện chí khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 25-11 tuyên bố Moscow sẵn sàng bàn bạc với NATO để ngăn chặn các sự cố trên không.
Huệ Bình
Bình luận (0)