xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó đạt mục tiêu "không Covid-19"

Cao Lực

Trong khi phần lớn thế giới học cách chung sống với Covid-19, Trung Quốc quyết đuổi cùng diệt tận Covid-19, một hướng tiếp cận có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị cô lập thêm nhiều năm

Mười tám tháng kể từ khi ca Covid-19 đầu tiên được xác định, nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương trở lại vạch xuất phát trong cuộc chiến chống đại dịch.

Hiệu quả... cho đến khi Delta xuất hiện

Trong khi người dân Anh vui chơi trong hộp đêm sau khi trải qua một mùa đông dai dẳng với các biện pháp hạn chế Covid-19, hàng triệu cư dân ở Úc và Trung Quốc quay lại cuộc sống thời phong tỏa.

Các hệ thống y tế ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia bị quá tải. Những quốc gia như đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương, nơi chỉ ghi nhận vài chục ca nhiễm vào năm ngoái, cũng đang căng mình chống các cụm dịch lớn.

Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã biến mình thành "những quốc gia ẩn dật", đóng cửa biên giới với gần như toàn bộ du khách nước ngoài, áp đặt các quy tắc cách ly nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh, đồng thời triển khai các chính sách xét nghiệm và truy vết quyết liệt để phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào lọt qua hệ thống phòng thủ của họ.

Họ chung sống với những quy tắc kiểm soát biên giới gắt gao này với mục tiêu đưa số ca mắc mới về mức 0. Chiến lược "không khoan nhượng" với Covid-19 này hiệu quả... cho đến khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Những đợt bùng phát do Delta đang đặt ra câu hỏi về chiến lược 0 ca nhiễm được các nước như Trung Quốc và Úc ưa chuộng, dẫn đến một cuộc tranh luận sâu rộng hơn về mức độ bền vững của hướng tiếp cận này.

Tại các điểm nóng Covid-19 của Úc, như bang New South Wales, giới chức khẳng định tỉ lệ tiêm phòng 50% là đủ để bắt đầu nới lỏng phong tỏa, một sự thay đổi so với những nỗ lực trước đây nhằm đưa số ca nhiễm mới trở về 0.

Khó đạt mục tiêu không Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố Thượng Hải - Trung Quốc hôm 10-8. Ảnh: REUTERS

Giới chuyên gia dự đoán những "pháo đài Covid-19", như New Zealand và Hồng Kông (Trung Quốc), cuối cùng rồi cũng phải chấp nhận sự chuyển đổi nêu trên, bởi họ không thể sống tách biệt mãi với thế giới.

Trong một tuyên bố hôm 12-8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo kế hoạch tái mở cửa biên giới từng giai đoạn, bắt đầu bằng việc cho phép hành khách đã tiêm chủng đầy đủ, đến từ những quốc gia rủi ro thấp nhập cảnh mà không cần cách ly vào đầu năm 2022.

Cùng lợi thế địa lý, lệnh thắt chặt biên giới nghiêm ngặt đã giúp New Zealand dập Covid-19 nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nước đi này đã khiến quốc đảo 5 triệu dân rơi vào trạng thái cô lập gần như tuyệt đối, gây sức ép không nhỏ lên kinh tế. Dù vậy, Thủ tướng Ardern nhấn mạnh chính quyền của bà sẽ tiếp tục chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 trong lúc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Lỗ hổng nghiêm trọng

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dale Fisher của Bệnh viện Trường ĐH Quốc gia Singapore, hướng tiếp cận không khoan nhượng với Covid-19 như của Trung Quốc và Úc đã bị thách thức bởi Delta, biến thể được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 60%-200% so với thể thông thường.

Khi Delta xuất hiện tại Úc, biến thể này đã phơi bày một lỗ hổng nghiêm trọng trong chiến lược chống dịch của quốc gia này - triển khai vắc-xin chậm chạp. Tính đến ngày 8-8, chỉ mới 17% trong tổng số 25 triệu cư dân Úc được tiêm phòng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với những quốc gia như Anh (58%) và Mỹ (50%).

Về mặt dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược 0 ca nhiễm mới là không bền vững. Cuối cùng, quốc gia nào rồi cùng muốn tái mở cửa biên giới và khi đó, họ có thể phải chấp nhận rằng một vài công dân sẽ nhiễm Covid-19. Những gì xảy ra ở Trung Quốc và Úc còn cho thấy rủi ro rằng những quốc gia khác có thể sẽ không ngăn được Delta hay một biến thể khác mãi mãi, kể cả với lệnh thắt chặt biên giới nghiêm ngặt.

Trong khi phần lớn thế giới học cách chung sống với Covid-19, Trung Quốc quyết đuổi cùng diệt tận Covid-19, một hướng tiếp cận có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị cô lập thêm nhiều năm.

Trung Quốc tháng này chứng kiến Delta xuất hiện tại hơn 50% trong tổng số 31 tỉnh của họ dù đã triển khai lệnh thắt chặt biên giới cùng các biện pháp hạn chế khác. Nhiều chuyên gia y tế Trung Quốc, trong đó có Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDCP) Zeng Guang, đã kêu gọi quốc gia của họ điều chỉnh hướng tiếp cận "không Covid-19", bởi rất khó để đạt được mục tiêu 0 ca nhiễm mới, đặc biệt là trước một biến thể lây nhiễm nhanh như Delta.

Dù vậy, ý tưởng này đã bị bác bỏ bởi cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Gao Qiang - người chỉ trích những quốc gia theo đuổi hướng tiếp cận sống chung với Covid-19 vì gỡ bỏ hoặc nới lỏng một cách nguy hiểm các biện pháp kiểm soát dịch.

"Chiến lược chung sống với Covid-19 như ở Anh, Mỹ và những quốc gia khác đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nỗ lực kiểm soát đại dịch của thế giới. Chúng ta không được lặp lại sai lầm này" - ông Gao khẳng định, đồng thời bác bỏ quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ sớm trở thành một dịch bệnh đặc hữu - theo mùa và không thể tránh khỏi, như bệnh cúm. Nhấn mạnh Covid-19 là "một cuộc chiến giữa nhân loại và virus", ông Gao khẳng định cần duy trì mục tiêu quét sạch virus.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo