Hồng Kông ngày 26-3 đã có nữ lãnh đạo đầu tiên giữa lúc đặc khu này đang chứng kiến sự chia rẽ và căng thẳng liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc.
Giảm căng thẳng xã hội
Với 777/1.194 phiếu bầu nhận từ các thành viên Ủy ban Bầu cử Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), 59 tuổi, được chọn làm tân đặc khu trưởng Hồng Kông, vượt qua 2 đối thủ là ông John Tsang (Tăng Tuấn Hoa) và ông Woo Kwok Hing (Hồ Quốc Hưng).
Kết quả trên không gây nhiều ngạc nhiên ngay cả khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Tăng mới là ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Hồng Kông. Là nhân vật thân Trung Quốc, bà Lâm được dự báo sẽ chiến thắng dễ dàng bởi phần lớn thành viên Ủy ban Bầu cử Hồng Kông có lập trường ủng hộ Bắc Kinh.
Cũng không có gì khó hiểu khi bà Lâm, cựu Tổng Thư ký chính quyền Hồng Kông, tuyên bố sẽ ưu tiên giảm căng thẳng xã hội trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng. “Hồng Kông, quê hương của chúng ta, đang phải hứng chịu sự chia rẽ nghiêm trọng. Ưu tiên của tôi sẽ là hàn gắn sự chia rẽ, xoa dịu sự thất vọng và đoàn kết xã hội để tiến lên phía trước” - bà Lâm nhấn mạnh.
Theo đài BBC, nữ đặc khu trưởng này cho biết bà hoan nghênh và khuyến khích người dân bày tỏ chính kiến cũng như cam kết khai thác sức mạnh của giới trẻ. Bà Lâm cũng khẳng định duy trì “những giá trị cốt lõi” của Hồng Kông như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Bên cạnh đó, theo đài ABC News, bà Lâm cũng cam kết thực thi các lời hứa trong quá trình tranh cử, như giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, giải quyết vấn đề giá nhà đất tăng cao bằng cách tăng nguồn cung đất đai và tăng chi tiêu giáo dục.
Nhiệm vụ khó khăn
Khi nhậm chức đặc khu trưởng Hồng Kông vào ngày 1-7 tới, bà Lâm sẽ đối mặt không ít thách thức giữa lúc diễn ra làn sóng đòi dân chủ và phản đối sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc vào địa phương này. Điều đó thể hiện rõ qua một số cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra bên ngoài nơi bỏ phiếu ngày 26-3. Những người biểu tình hô vang đòi hỏi về “một nền dân chủ thật sự”.
Theo đài BBC, nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), một trong những người tham gia biểu tình, mô tả những gì diễn ra là “một sự lựa chọn chứ không phải bầu cử” và nhận định bà Lâm “sẽ là cơn ác mộng của chúng ta”.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích Trung Quốc đánh giá bà Lâm còn gặp khó vì không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Hồng Kông. Theo cuộc thăm dò gần đây của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tân lãnh đạo Hồng Kông có tỉ lệ ủng hộ ở mức 29,5%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 49,6% của ông Tăng. Hơn nữa, bà Lâm sẽ đối mặt thêm nhiều sức ép từ các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đang có số lượng gia tăng sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng tân lãnh đạo Hồng Kông sẽ phải giải quyết 2 yêu cầu chính của người dân hiện nay: Cuộc sống tốt hơn và nhiều tự do chính trị hơn. Những vấn đề gai góc khác là đẩy mạnh tạo công ăn việc làm và thu hẹp khoảng cách về thu nhập. Tờ SCMP chỉ ra rằng kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong chính quyền có thể giúp ích cho bà Lâm trong việc giải quyết những vấn đề này.
Trước mắt, theo tờ The Washington Post (Mỹ), chiến thắng của bà Lâm - một nhân vật được Trung Quốc ưa thích - có thể làm gia tăng nỗi lo Bắc Kinh tăng cường kiểm soát đặc khu Hồng Kông và gây khó khăn cho đòi hỏi về quyền phổ thông đầu phiếu. Ngoài ra, nhiều người lo ngại bà Lâm sẽ tiếp tục những chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm thân Bắc Kinh Lương Chấn Anh - nhân vật từng ra lệnh bắn hơi cay vào người biểu tình đòi dân chủ vào năm 2014. Cựu lãnh đạo Hồng Kông này cũng bị xem là không có hành động bảo vệ quyền tự trị cũng như các giá trị cốt lõi của Hồng Kông.
Bình luận (0)