Thời điểm tàu Triều Tiên đi qua kênh đào Suez, Mỹ đã gửi thông tin cho nhà chức trách Ai Cập. Con tàu mang tên Jie Shun chở theo thủy thủ đoàn Triều Tiên cùng với số hàng hóa được bao phủ bởi những tấm bạt lớn và hàng tấn đá màu vàng.
Lực lượng hải quan Ai Cập đã chờ con tàu tiến vào lãnh hải nước này, sau đó bất ngờ chặn lại và kiểm tra. Bên dưới 79 thùng sắt, nhà chức trách Ai Cập tìm thấy hơn 24.000 quả rốc-két và các bộ phận để lắp thành 6.000 quả rốc-két hoàn chỉnh.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết trong một báo cáo sau đó rằng đây là số vũ khí lớn nhất thu được kể từ khi Bình Nhưỡng chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Có một câu hỏi được đặt ra: Tàu Jie Shun chở rốc-két đi đâu và cho ai? Kết quả có lẽ gây ngạc nhiên cho tất cả: những người Ai Cập chính là người mua số vũ khí nói trên. Giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ các doanh nhân Ai Cập đã sắp xếp thương vụ mua rốc-két từ Triều Tiên trị giá khoảng 23 triệu USD trong khi giữ bí mật giao dịch đó.
Jin Teng - một con tàu khác của Triều Tiên từng bị giữ tại cảng Philippines. Ảnh: AP
Đại sứ quán Ai Cập tại Washington tuyên bố Cairo đã "minh bạch và hợp tác" với LHQ trong việc rà soát và tiêu hủy số vũ khí lậu nói trên, đồng thời tuân thủ nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Mỹ xác nhận thương vụ trên chỉ bị phanh phui sau khi tình báo Mỹ phát hiện con tàu và cảnh báo nhà chức trách Ai Cập thông qua các kênh ngoại giao.
Một số nguồn tin giấu tên từ Washington còn cho hay giao dịch liên quan tới tàu Jie Shun là một trong những lý do khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump đóng băng hoặc trì hoãn khoản viện trợ quân sự gần 300 triệu USD cho Ai Cập vào mùa hè qua.
Tàu Jie Shun khởi hành từ thành phố cảng Haeju - Triều Tiên vào ngày 23-7-2016, chở 23 thành viên thủy thủ đoàn. Lúc bị bắt giữ, con tàu đang treo cờ Campuchia, mục đích tránh không bị để ý khi hoạt động tại vùng biển quốc tế. Tình báo Mỹ đã theo dõi con tàu ngay khi nó rời khỏi Triều Tiên, đi vòng quanh bán đảo Malay và hướng về phía Tây qua biển Ả Rập và Vịnh Aden.
Để đối phó với lệnh trừng phạt của LHQ, các tàu Triều Tiên chở bộ phận rốc-két và xe tăng thường đổi tên và giấy đăng ký, đồng thời cắm cờ nước ngoài nhằm che mắt nhà chức trách địa phương. Khách hàng của Triều Tiên bao gồm phong trào Hezbollah (Lebanon), các quốc gia châu Phi như Uganda và Congo cùng với Ai Cập – nước nhận viện trợ từ Mỹ nhưng vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự với Triều Tiên từ những năm 1970.
Bình luận (0)