Lần đầu tiên trong lịch sử bầu chọn chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ứng cử viên Jim Yong Kim của Mỹ bị cạnh tranh quyết liệt bởi 2 ứng cử viên của thế giới thứ ba là bà Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria và ông Jose Antonio Ocampo, người Colombia.
Tranh thủ bằng cách lắng nghe
Bà Okonjo-Iweala, 57 tuổi, là ứng cử viên của châu Phi; còn ông Ocampo, 59 tuổi, được Brazil giới thiệu. Bởi có đến 3 ứng cử viên, WB phải tiến hành phỏng vấn từng người trước khi hội đồng quản trị đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 20-4. Theo lịch, bà Okonjo-Iweala sẽ được phỏng vấn đầu tiên vào ngày 9-4. Kế đó đến lượt ông Ocompo (ngày 10-4) và cuối cùng là ông Kim (ngày 11-4).
Từ trái sang: Ông Jose Antonio Ocampo, bác sĩ Jim Yong Kim và bà Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: AMIP News
Trong khi các đối thủ tranh thủ trả lời phỏng vấn của báo chí, nêu ra sự bất hợp lý khi chiếc ghế chủ tịch WB được coi là độc quyền của Mỹ, hứa hẹn sẽ điều hành WB như thế nào nếu đắc cử thì ngày 27-3, bác sĩ Kim đã “xuất ngoại” đến Ethiopia, gặp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Phi Fratus Mwencha, bàn chuyện phát triển kinh tế châu Phi mà WB rất quan tâm và ủng hộ. Sau đó, ông Kim tiếp tục đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico (ngày 9-4).
Mục đích của ông Kim không ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước này bảo đảm quyền lãnh đạo WB trong tay người Mỹ, đồng thời lắng nghe ý kiến của các nước về tương lai của WB. Từ khi sáng lập (năm 1944) đến nay, chủ tịch WB luôn là người Mỹ cũng giống tổng giám đốc IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) luôn là một người châu Âu, theo một điều luật bất thành văn.
Trong 2 ứng cử viên của thế giới thứ ba, ông Ocampo, cựu bộ trưởng tài chính Colombia, được coi là yếu thế nhất. Một nguồn tin thân cận WB cho hay vào giờ chót, Brazil có thể rút lại đề cử ông Ocampo để dồn phiếu cho bà Okonjo-Iweala.
Đối thủ số 1
Nếu nguồn tin trên chính xác, đối thủ đáng ngại và duy nhất của ông Kim không ai khác hơn là “bà đầm thép” Ngozi Okonjo-Iweala. Từng giữ ghế phó chủ tịch và giám đốc điều hành WB cách đây chỉ mấy tháng, về mặt am hiểu công việc của thể chế tài chính lớn nhất thế giới, bà Okonjo-Iweala “ăn đứt” ứng cử viên Mỹ.
Bác sĩ Kim vốn là một người “ngoại đạo” chưa từng lãnh đạo ngân hàng ngày nào. Thậm chí, quản lý ngân sách nhỏ nhoi của Trường Đại học Darmouth mà mình đang làm hiệu trưởng, ông Kim cũng lúng túng như “gà mắc tóc”, theo tường thuật của báo chí Mỹ.
Bà Okonjo-Iweala tỏ ra rất tự tin. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, nhật báo uy tín hàng đầu ở Pháp, bà khẳng định: “Không phải tôi mà người châu Phi tin rằng tôi là ứng cử viên chủ yếu cho WB và châu Phi. Tôi không chỉ am hiểu châu Phi vùng Hạ Sahara mà cả thế giới đang phát triển”.
Được hỏi về việc người Mỹ thống trị WB, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh: “Thế giới đã đổi thay từ 60 năm nay. Nhóm nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đạt hơn phân nửa tăng trưởng thế giới. Có phải đã đến lúc lôi họ vào việc quản lý thế giới hay không? Câu trả lởi của tôi là có”.
Nhận định về bà Okonjo-Iweala, The Economist, tuần báo kinh tế hàng đầu ở Anh, viết: “ Khi các chuyên gia kinh tế WB đến các nước nghèo, họ thường khuyên chính phủ nên từ bỏ chủ nghĩa bè phái và bổ nhiệm ứng cử viên xứng đáng nhất vào các vị trí quan trọng. Đó là một lời khuyên rất tốt mà WB nên áp dụng. Bầu chủ tịch mới, hội đồng quản trị WB cần từ chối ứng cử viên của cổ đông quyền thế nhất là Mỹ và chọn bà Ngozi Okonjo-Iweala”.
Tất nhiên, ông Kim có một số điểm yếu nhất định. Ví dụ, ông không có kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô. Ông cũng chưa thể hiện được gì về tài ngoại giao rất cần thiết để điều hành tốt WB. Tuy nhiên, lợi thế của ông khá rõ ràng.
Bác sĩ Jim Yong Kim là một người tóc nâu, mắt đen, sinh đẻ ở Hàn Quốc và là một chuyên gia nổi tiếng về phát triển quốc tế. Khi chọn ông Kim, ông Obama tỏ ra thức thời, đưa ra một ứng cử viên mà các nước nghèo có thể chấp nhận được, nhất là đối với các thế lực kinh tế truyền thống và mới nổi.
BRICS thiếu gắn kết
Không phải vô tình mà Tân Hoa Xã bình luận: “Thật đáng khích lệ khi tổng thống Mỹ chọn Jim Yong Kim, cựu giám đốc bộ phận HIV/AIDS của WHO, làm ứng cử viên chủ tịch WB. Việc Washington chọn một chuyên gia về phát triển thay vì chính khách hay chủ ngân hàng để lãnh đạo WB cũng là một bước cải tiến”.
Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ bác sĩ Kim. Hàn Quốc dĩ nhiên không thể từ chối một người đồng hương dù mang quốc tịch Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cũng tuyên bố với AFP “tại thời điểm này không có lý do gì” để xét lại thỏa thuận chia quyền lãnh đạo WB và IMF. Cả châu Âu cũng không có lý do gì để bác bỏ quan điểm của Pháp.
Nga, một thành viên của nhóm BRICS, tuyên bố quốc tịch của ứng cử viên chủ tịch WB không quan trọng bằng việc tăng cường vai trò của BRICS trong hàng ngũ lãnh đạo.
Nói chung, nhiệm vụ bảo toàn sự lãnh đạo của Mỹ ở WB qua bác sĩ Kim không nặng nề lắm bởi các nền kinh tế mới nổi thiếu sự gắn kết. BRICS không thể ngồi lại với nhau để chọn một ứng cử viên sáng giá. Norbert Gaillard, cựu cố vấn kinh tế Pháp ở WB, giải thích: “Giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ và Pakistan, Mexico, Brazil và Argentina có quá nhiều khác biệt về quyền lợi. Theo tôi, Jim Yong Kim sẽ đắc cử vì Trung Quốc cho rằng Mỹ đi đúng hướng”.
Bình luận (0)