Lập luận nêu trên đã được nêu trong một bài xã luận của nhật báo Investor’s Business Daily số ra ngày 4-8-2014.
Bài báo có khuynh hướng bảo thủ cho rằng bà Hillary đã mắc sai lầm khi đứng ra làm trung gian hòa giải Israel với Palestine, kết quả là Hamas nhận được nhiều lợi thế hơn. Bà đã tạo điều kiện cho tổ chức này rảnh tay xây dựng hệ thống địa đạo quân sự gây bất ổn lớn cho Israel.
Cuộc ngưng bắn năm 2012
Giữa tháng 11-2012, chiến tranh trên không giữa Israel và Hamas diễn ra ác liệt hơn bao giờ hết. Israel mở chiến dịch “Trụ cột phòng vệ” bắt đầu từ ngày 14-11-2012, oanh kích 1.500 mục tiêu của Palestine. Chính quyền Tel-Aviv giải thích rằng chiến dịch này nhằm đáp trả đợt tấn công hơn 100 quả tên lửa của Hamas vào các thị trấn Israel chỉ trong vòng 24 giờ.
Trong khi đó, Hamas tố cáo Israel gia tăng bạo lực, giết hại người Palestine, chiếm đóng Bờ Tây, phong tỏa Dải Gaza khiến tổ chức này không thể khoanh tay đứng nhìn. Đáp lại, Hamas cũng mở chiến dịch “Gạch đất sét nung”, bắn 1.456 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel. Lần đầu tiên, thủ đô Tel-Aviv của Israel cũng bị pháo kích.
Hai chiến dịch nêu trên kéo dài 8 ngày. Hậu quả, phía Palestine có 166 người chết (trong đó gồm cả Ahmed Jabari, thủ lĩnh quân sự Hamas), còn phía Israel thiệt hại 6 người.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Ai Cập họp báo tuyên bố Israel và Hamas
thỏa thuận ngừng bắn ngày 21-11-2012. Ảnh: EPA
Cuộc leo thang bạo lực đe dọa biến khu vực thành một cuộc tắm máu làm Mỹ nóng ruột. Ngoại trưởng Hillary Clinton được Tổng thống Obama cử đến Trung Đông thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel và Palestine ngừng bắn.
Ngày 21-11-2012 tại thủ đô Cairo, bà Hillary và tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi tuyên bố Israel và Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn. 48 giờ trước đó, Israel đã dàn quân ở biên giới, chuẩn bị tấn công trên bộ đánh chiếm Dải Gaza.
Truyền thông Mỹ ca ngợi chiến công của Ngoại trưởng Hillary. Thế nhưng, báo chí Israel lại than phiền dưới sức ép của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, Israel chấp nhận cuộc ngưng bắn một cách miễn cưỡng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công khai bày tỏ nghi ngờ lòng thành của Hamas và hăm dọa sẵn sàng đánh mạnh hơn.
Theo tờ Investor’s Business Daily, “tội” lớn nhất của bà Hillary là ép buộc Israel nới lỏng lệnh cấm vận vật liệu xây dựng và nhiều sản phẩm khác mang tính lưỡng dụng (dân sự và quân sự) ở Dải Gaza, thực hiện từ năm 2007.
Israel sợ Hamas dùng vật liệu để xây kho đạn, hầm trú ẩn và bãi phóng tên lửa nã vào Israel. Tờ báo cũng chế giễu bà Hillary ngây thơ tin vào lời hứa hão của Hamas - chỉ dùng vật liệu xây dựng để làm cầu, bệnh viện, thánh đường Hồi giáo và trường học.
Liên Hiệp Quốc cũng bị nghi ngờ
Bà Hillary Clinton không phải là người duy nhất bị chỉ trích. UNRWA (Chương trình Hỗ trợ việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hiệp Quốc) cũng bị mang tiếng trợ giúp Hamas xây địa đạo khủng bố Israel.
Trên tờ The Wall Street Journal ngày 7-8-2014, nhà báo Claudia Rosett cho rằng UNRWA cần xem lại vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc xung đột dai dẳng, đẫm máu ở Dải Gaza.
Là một tổ chức nhân đạo, nhiệm vụ chính của UNRWA là hỗ trợ đời sống của người Palestine tị nạn ở Lebanon, Jordan, Syria, Bờ Tây và Dải Gaza bằng cách xây dựng trường học, bệnh viện, nhà ở, cung cấp tín dụng và việc làm. Mỹ và Ủy ban châu Âu (EC) là hai nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này. Năm 2013, Mỹ đóng góp 294 triệu USD, còn EC là 216 triệu USD.
Vấn đề ở Dải Gaza là các nhà lãnh đạo UNRWA thường đưa ra những tuyên bố thiên vị Hamas - theo bà Rosett. Mới đây, ông Pierre Krahenbuhl, Tổng ủy UNRWA, đã công khai lên án Israel “vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế” khi cho máy bay ném bom các trường học của UNRWA ở Dải Gaza, giết hại hàng trăm người Palestine vô tội, trong đó có nhiều học sinh. Đằng sau tuyên bố này là gì?
Theo nhà báo Rosett, phần lớn ban điều hành chi nhánh của UNRWA ở Dải Gaza là người của Hamas. Với ngân sách khổng lồ lên đến 1 tỉ USD khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, còn ngân sách năm 2014 đã được thông qua là 731 triệu USD, chi nhánh UNRWA ở Dải Gaza trên thực tế đã trở thành “con bò sữa” của phong trào Hamas, người chủ thật sự của vùng đất này. Mà ở Dải Gaza, theo bà Rosett, chỉ có 2 ngành công nghiệp: Viện trợ và khủng bố.
Đời sống của người dân ở Dải Gaza, trong đó có 1,2 triệu (trên tổng số 5,3 triệu) người tị nạn Palestine - tương đương 2/3 dân số lãnh thổ này - thì đã có UNRWA lo. Hamas chỉ quan tâm đến cuộc chiến chống Israel, đổ tiền vào việc mua sắm tên lửa và xây dựng hệ thống địa đạo - 2 phương tiện chủ yếu hiện nay để tấn công Israel.
Chỉ là phỏng đoán
Có phải Ngoại trưởng Hillary đã tạo điều kiện cho Hamas được quyền nhập vật liệu xây dựng để thực hiện những ý đồ quân sự như Investor’s Business Daily cáo buộc? Tiết lộ của ông Guy Inbar, người phát ngôn Cục Giám sát công tác viện trợ nhân đạo cho Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây của quân đội Israel, cho thấy đổ hết tội lỗi cho bà Hillary là không công bằng.
Theo ông Inbar, “phần lớn xi-măng và vật liệu xây dựng dùng để xây địa đạo quân sự ở Dải Gaza được Hamas nhập lậu từ Ai Cập thông qua các đường hầm bí mật”. Một số vật liệu khác, Hamas dùng tiền viện trợ quốc tế mua ở các thị trường hợp pháp khi Israel cho phép nhập một số lượng nhất định vào năm 2010 để thực hiện những dự án quốc tế ở Dải Gaza.
Việc Hamas có “ăn bớt” vật liệu xây dựng những công trình dân sinh này để làm các đường hầm quân sự hay không chỉ là phỏng đoán và cần được chứng minh. Tuy nhiên, tìm được chứng cứ là điều không dễ.
Kỳ tới: Diều hâu cũng điên đầu
Bình luận (0)