Tuần qua, ông Moshe Yaalon, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã trấn an những người thân cận: “Hai - ba ngày nữa thôi, chúng ta sẽ dứt điểm vụ địa đạo”.
Giọng “Bogie” - biệt danh của ông Yaalon - đều đều như người còn say ngủ, thiếu hẳn sinh khí. Chiếc áo sơ mi màu cháo lòng ông mặc khiến người ta nhớ lại một vị tướng 3 sao từng có thời hét ra lửa khi còn làm tổng tham mưu trưởng quân đội Israel.
Sợ “gần chết”
Sự mệt mỏi trong giọng nói và trên gương mặt của bộ trưởng Yaalon tuy vậy vẫn không thể xóa bỏ hình ảnh một “chính khách diều hâu” thuộc loại dữ dằn nhất trong nội các chính phủ của ông Benjamin Netanyahu.
Cũng nổi tiếng “diều hâu” không kém là Ngoại trưởng Avigdor Lieberman. Ông Lieberman từng đưa ra những tuyên bố “nổi da gà” nhưng ở chốn riêng tư thì biết ăn nói kiềm chế hơn.
Sự mệt mỏi cho thấy ông Yaalon vẫn đang đau đầu vì tính chất phức tạp của “thế giới ngầm” nằm dưới lòng Gaza City. Áp lực nội bộ cũng làm ông ăn ngủ không yên. Những cơn mưa tên lửa Hamas luôn ám ảnh ông dù cấp dưới báo cáo đã phá được 36 địa đạo khủng bố quan trọng trong chiến dịch “Bảo vệ biên cương”.
Chiến dịch quân sự mới nhất này của Tsahal (quân đội Israel) đã tạm dừng vì có lệnh ngừng bắn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Ông Or Haner là xã viên của kibbutz (nông trường tập thể hiện đại kiểu Israel) Ein Hashlosha do những người di cư từ Argentine thành lập năm 1950. Ông lo lắng: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã nghe mòn tai những tiếng động lạ trong lòng đất. Chúng tôi đã báo cáo với quân đội nhưng chẳng ai quan tâm. Giờ đây, chúng tôi sợ gần chết. Mỗi lần nghe tiếng động lạ dưới chân và tiếng rít của tên lửa bay trên đầu là chúng tôi biết có chuyện rồi”.
Mới đây, ở kibbutz kế bên, người ta phát hiện một đường hầm xây kiên cố bằng bê-tông dài 2 km dưới sàn nhà ăn tập thể. Nữ điện thoại viên thường trực của văn phòng thư ký kibbutz kể lại: “Xã viên sợ hết hồn. Bây giờ, khi chiến dịch “Bảo vệ biên cương” đã tạm ngưng, chúng tôi muốn Tsahal giải thích vì sao vẫn còn vướng khổ nạn địa đạo này. Dù sao thì chúng tôi cũng luôn ủng hộ Tsahal hết mình”.
Tình trạng bất ổn ở Israel do hiểm họa địa đạo Hamas không chỉ làm người dân khắc khoải, thắc mắc với chính quyền. Năm 2007, SCI (Cơ quan Giám sát, Kiểm sát chính sách và hoạt động của chính phủ Israel) từng báo cáo trước quốc hội rằng chính sách của chính phủ đối với phong trào Hamas là “một chuỗi thất bại”. Cách đối phó với địa đạo Hamas của chính phủ Israel cũng bị SCI chỉ trích mạnh mẽ.
Theo nhật báo Jerusalem Post, các nhân vật bị SCI phê phán nhiều nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon (lúc bấy giờ giữ chức tổng tham mưu trưởng), tư lệnh lục quân và tư lệnh công binh. Báo cáo của SCI được soạn thảo sau những vụ chiến binh Hamas dùng các đường hầm bí mật đột nhập lãnh thổ Israel, giết chết và bắt cóc binh lính trong sự ngỡ ngàng của cơ quan tình báo và quân đội. Trong đó, điển hình là vụ hạ sĩ Gilad Shalit bị bắt cóc năm 2006.
Bản báo cáo của SCI yêu cầu chính phủ Israel thay đổi gấp đối sách với hiểm họa địa đạo Hamas. SCI cho rằng những người chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc đã không được trao quyền tương xứng và không được tham gia các buổi họp bàn về hệ thống địa đạo này. Hơn nữa, ý kiến của họ cũng thường bị bỏ ngoài tai.
Trả lời kiến nghị của SCI, chính phủ Israel biện minh rằng cần phải có thời gian đánh giá đầy đủ hiểm họa của hệ thống địa đạo Hamas bởi tính chất “vô tiền khoáng hậu” của nó.
Chưa có lời giải
Bảy năm đã trôi qua từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza nhưng nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, cơ quan an ninh Israel lại bị chỉ trích vì “thiếu hiểu biết” về hệ thống địa đạo của Hamas ở Dải Gaza, theo nguồn tin của tờ The Washington Times.
Ông Dan Pollak, một chức sắc cao cấp của Tổ chức Phục quốc Do Thái tại Mỹ, ước tính những chiến dịch quân sự của Israel đã làm giảm khoảng một nửa trong số 10.000 tên lửa từ Hamas. Tuy vậy, theo ông, tình báo quân đội Israel vẫn chưa biết hết hệ thống địa đạo bí mật ở Dải Gaza vì chúng quá phức tạp.
Tuần rồi, chuẩn tướng Moti Almoz, người phát ngôn của Tsahal, xác nhận quân đội Israel đã tìm thấy cả một “thành phố ngầm” ở Gaza. “Trong 36 đường hầm đã phát hiện, chúng tôi tìm thấy tên lửa, thuốc nổ và các loại vũ khí khác. Chiến dịch tìm và diệt địa đạo tuy thành công nhưng chúng tôi không thể phá hủy 100% đường hầm và ngăn chặn 100% cuộc tấn công bằng tên lửa” - ông Almoz nhấn mạnh.
Thái độ nghi ngờ, thậm chí hoang mang, trong quân đội Israel cũng được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Thiếu tướng về hưu Israel Ziv, cựu sư đoàn trưởng phụ trách Dải Gaza, băn khoăn: “Nói thật lòng, về mặt chiến lược, nhận thức trong giới lãnh đạo dân sự và quân sự (đối với địa đạo) lớn và sâu sắc cỡ nào, tôi cũng không chắc”.
Chuẩn tướng Shimon Daniel - chỉ huy trưởng lực lượng công binh từ năm 2003 đến 2007, hiện vẫn còn trong lực lượng dự bị - thừa nhận: “Chúng tôi ý thức đó là mối đe dọa về mặt chiến lược nhưng lúng túng, chưa biết xử lý thế nào. Đây là một thách thức lớn, không dễ đối phó”.
Tại sao khi mở chiến dịch “Trụ cột phòng vệ” ở Dải Gaza tháng 11-2012, quân đội Israel không dứt khoát với vấn đề địa đạo? Tướng Daniel giải thích: “Có nhiều lý do ảnh hưởng đến hành động của chúng tôi. Chính trị có, quốc tế có, nói chung là rất phức tạp”.
Dự án táo bạo của Iseael
Năm 2000, khi Israel đang chiếm đóng Dải Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Benjamin ben Eliezer đã chỉ đạo cấp dưới nghiên cứu một dự án táo bạo: Đào một con kênh và tạo một hồ nhân tạo sâu vài chục mét chạy dọc hành lang Philadelphi - vành đai trắng ngăn cách Dải Gaza và Israel - dài 13 km nhằm triệt tiêu mọi ngã xâm nhập của chiến binh Hamas. Tuy nhiên, dự án này sau đó bị ách lại.
Năm ngoái, dự án nêu trên lại được mang ra nghiên cứu. Lần này, nó biến thành một đường hầm sâu 25 m chạy dọc biên giới chung, bên trong chứa đầy thiết bị điện tử và các trạm nghe ngóng để phát hiện mọi hoạt động đáng nghi của Hamas. Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon đã đề nghị bộ trưởng tài chính xuất ra 670 triệu USD để thực hiện dự án mới nhưng đến nay vẫn chưa thấy bộ này hồi âm.
Bình luận (0)