Nhóm Ganbare Nippon cho hay 10 chiếc thuyền của nhóm sẽ thăm dò các vùng đánh bắt cá chứ không có kế hoạch đổ bộ lên Senkaku.
Ông Satoru Mizushima, lãnh đạo nhóm, tuyên bố: "Chúng tôi khảo sát nhằm chứng minh các ngư dân Nhật có thể kiếm sống ở đó. Tất cả chỉ nhằm khẳng định quyền sở hữu của chúng ta đối với quần đảo này. Do những khiêu khích của Trung Quốc, chúng tôi đã thống nhất không đổ bộ trước bầu cử thượng viện (dự kiến vào tháng 7) để tránh làm xấu thêm tình hình ngoại giao”.
10 nhà hoạt động của nhóm Ganbare Nippon vẫy cờ trên Senkaku tháng 8-2012. Ảnh: Kyodo
Nhóm này cũng đảm bảo không đổ bộ khi bảo trợ cho một chuyến đi tương tự hồi tháng 8-2012 nhưng sau đó khoảng 10 nhà hoạt động đã đặt chân lên Senkaku, làm nổ ra các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc.
Trong khi đoàn thuyền của Ganbare Nippon được ít nhất 10 tàu tuần duyên Nhật Bản hộ tống thì lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cho biết 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku tối 22-4. Đây là lần thứ 39 tàu Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản kể từ tháng 9-2012, sau khi Tokyo quốc hữu hóa một phần Senkaku.
Đến sáng 23-4, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết một đội gồm 8 tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku vào khoảng 8 giờ (giờ địa phương).
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều động lượng tàu đông nhất trong một ngày tới khu vực này kể từ khi tháng 9-2012. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngay lập tức triệu đại sứ Trung Quốc tới để phản đối.
Trước đó, ngày 22-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này đã trao công hàm phản đối các chuyến thăm đền Yasukuni của giới lãnh đạo Nhật Bản. Ngoài Phó Thủ tướng Taro Aso và 3 bộ trưởng trực tiếp đến đền, Thủ tướng Shinzo Abe cũng gửi tặng đồ cúng.
Bình luận (0)