Nhà chức trách Israel hôm 31-10 mở cửa lại khu đền thiêng Al-Aqsa (người Hồi giáo gọi là đền al-Haram al-Sharif trong lúc người Do Thái gọi là đền Mount) ở TP Jerusalem nhưng chỉ cho phép người Hồi giáo trên 50 tuổi vào cầu nguyện nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo lực bùng phát.
Ngoài ra, cảnh sát Israel còn tăng cường hiện diện trên các lối dẫn đến khu đền và kiểm tra giấy tờ tùy thân kỹ lưỡng những ai vào đó.
Động thái trên được xem là nhằm giảm căng thẳng sau khi 2 phong trào Fatah và Hamas kêu gọi các tay súng Palestine tiến hành “ngày thịnh nộ” trong ngày 31-10, trong đó có các vụ tấn công vũ trang ở Jerusalem, để trả đũa quyết định đóng cửa ngôi đền một ngày trước.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng gọi hành động đóng cửa khu đền không khác gì “sự tuyên chiến” của Israel.
Người dân địa phương cho biết đây là lần đầu tiên khu đền bị đóng cửa đối với mọi khách viếng thăm - người Hồi giáo, người Do Thái và du khách - kể từ năm 2000, thời điểm cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine diễn ra.
Người biểu tình Palestine đốt xe của người Israel trong cuộc đụng độ ở Đông Jerusalem hôm 30-10
Ảnh: Reuters
Quyết định đóng cửa ngôi đền được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ngoài đường phố Đông Jerusalem, bị tác động bởi cuộc chiến ở Dải Gaza gần đây, kế hoạch mở rộng các khu định cư của Tel Aviv và vụ tấn công một giáo sĩ Do Thái cánh hữu tên Yehuda Glick hôm 29-10.
Nghi can của vụ tấn công này, một người Palestine tên Moataz Hejazi, đã bị cảnh sát Israel bắn chết sáng 30-10, dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người Palestine. Đã có 3 người Palestine bị bắt giữ trong các vụ xung đột.
Giáo sĩ Glick là người đang vận động mạnh mẽ cho quyền được cầu nguyện của người Do Thái tại khu đền nói trên - một bước đi có thể gây ra sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Ông ta bị thương rất nặng và đang thở máy tại bệnh viện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên án vụ tấn công ông Glick, người có cả 2 quốc tịch Israel và Mỹ, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình Jerusalem hiện nay.
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Dải Gaza vào mùa hè qua, người Palestine thường xuyên đụng độ với cảnh sát Israel ở Jerusalem, buộc nhà chức trách triển khai thêm 1.000 nhân viên an ninh tại đây. Bạo lực càng gia tăng sau vụ một thiếu niên Palestine bị sát hại hồi tháng 7 để trả đũa vụ 3 thiếu niên Do Thái thiệt mạng ở Bờ Tây. Vào tuần rồi, một em bé Do Thái và người phụ nữ Ecuador thiệt mạng khi một người Palestine lao chiếc xe vào nhóm người đi bộ ở Jerusalem.
Giới phân tích nhận định sự gia tăng căng thẳng ở Jerusalem, một thành phố lâu nay vẫn tương đối yên tĩnh và đứng ngoài cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine, là một diễn biến đáng chú ý.
“Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng chưa từng xảy ra. Dường như đang có một phong trào nhằm tranh thủ tình cảm và kích động sự giận dữ của người Ả Rập ở Jerusalem. Thường thì Bờ Tây hoặc Dải Gaza thiết lập giọng điệu cho các cuộc xung đột với Israel. Lần này, đến lượt người Ả Rập tại Jerusalem làm điều này” - ông Jonathan Schanzer, Phó Chủ tịch nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (FDD), lo ngại.
Bình luận (0)